ASEM 13: Malaysia muốn trở thành trung tâm sản xuất vaccine

ASEM 13 MALAYSIA
09:27 - 26/11/2021
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 3. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 3. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob bày tỏ mong muốn Malaysia trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực Đông Nam Á, tiếp tục sứ mệnh giúp đỡ những người dễ bị tổn thương do đại dịch.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 25/11, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã bày tỏ mong muốn biến quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực.

Theo Thủ tướng Ismail Sabri, nền kinh tế Malaysia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là chuỗi ngành du lịch và dịch vụ. Ông khẳng định nước này ủng hộ Tuyên bố Phnom Penh về Covid-19 và phục hồi kinh tế, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo ASEM sớm phối hợp hành động trong thực hiện Tuyên bố này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Ismail Sabri cũng cho biết, ở cấp độ quốc gia, Malaysia đã đưa ra lộ trình phát triển vaccine quốc gia và thành lập Viện Nghiên cứu gene và vaccine Malaysia. Ông bày tỏ mong muốn đưa quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và thực hiện mục tiêu cứu thêm nhiều mạng sống, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương bởi đại dịch và sống trong hoàn cảnh đầy thử thách vì Covid-19.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ismail Sabri cũng chia sẻ nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, Malaysia đang làm việc với một số đối tác ASEM như Singapore và Indonesia để thiết lập Đường bay vaccine dành cho người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, dần khôi phục lại các hoạt động đi lại quốc tế vốn bị đình trệ suốt gần 2 năm qua vì đại dịch.

Theo người đứng đầu Chính phủ Malaysia, việc nối lại tuyến đường cho người dân các quốc gia sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, phục hồi sinh kế của toàn khu vực.

Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) khai mạc chiều 25/11 từ điểm cầu Phnom Penh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến từ ngày 25-26/11.

Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) được thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 1/3/1996 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Từ khi ra đời đến nay, ASEM đã tăng gấp đôi số lượng thành viên ban đầu, từ 26 lên 53 (gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Ban Thư ký ASEAN và Ủy ban châu Âu). Qua 5 lần mở rộng, ASEM giờ đây chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu. ASEM có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), 4 nước trong Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Hội nghị cấp cao ASEM 13 dự kiến sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Chủ tịch về Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung, Tuyên bố Phnom Penh về Covid-19 và phục hồi kinh tế, và Định hướng hợp tác về kết nối ASEM.

Đọc tiếp