ASSOEVI - Cầu nối thương mại giữa Việt Nam và Italy

Thương Mại Việt nAM
19:09 - 16/01/2022
ASSOEVI - Cầu nối thương mại giữa Việt Nam và Italy
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức gặp mặt trực tuyến với các đại diện của Hội doanh nhân Việt Nam tại Italy (ASSOEVI) để thúc đẩy hơn nữa thương mại giữa Việt Nam và Italy.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ, dù năm 2021 đại dịch Covid-19 đã làm cả thế giới lao đao, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy vẫn tăng lên 5,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Italy đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22%, nhập khẩu là 1,8 tỷ USD, tăng 19% nhờ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi.

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Việt Nam có thể coi là đối tác hàng đầu của Italy trong khối ASEAN với kim ngạch thương mại tăng dần theo từng năm. Đồng thời Italy cũng là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Italy bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc, phụ tùng, hàng thủy sản, cà phê, dệt may, giày dép...

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Italy các mặt hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm từ sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ...

Đặc biệt, các mặt hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Italy là thủy sản, nông sản (hồ tiêu) và thủ công, mỹ nghệ. Nổi bật trong đó là mặt hàng hạt điều bóc vỏ, với 60-70% thị phần, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu mặt hàng này tại Italy.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ mong muốn cộng đồng người Việt và các tổ chức như ASSOEVI tiếp tục có những hoạt động tích cực và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.

Đại diện ban cố vấn ASSOEVI, ông Phạm Văn Hồng chia sẻ Hội là nơi tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, cầu nối giữa hai nước Italy-Việt Nam, ngày càng phải hoạt động hiệu quả hơn nữa để tạo ra nền tảng phát triển tốt hơn trong tương lai.

Hạt điều bóc vỏ là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Italy. Ảnh: tapchicongthuong.vn

Hạt điều bóc vỏ là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Italy.

Ảnh: tapchicongthuong.vn

Trong buổi trao đổi này, ông Hồng đã nêu các ý kiến để ASSOEVI đóng góp nhiều hơn nữa trong việc kết nối các doanh nghiệp giữa hai nước, thông qua việc phối hợp tăng cường truyền tải thông tin, hỗ trợ thủ tục pháp lý, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường Italy và Việt Nam... nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh cho doanh nghiệp Italy và Việt Nam.

Được thành lập tháng 6/2011, ASSOEVI quy tụ hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tại Italy với mục tiêu đoàn kết, nâng cao năng lực của hội viên, tạo môi trường để hợp tác và trao đổi thông tin giữa các doanh nhân, doanh nghiệp của người Việt tại Italy.

Đóng vai trò là cầu nối, liên kết, phối hợp và hỗ trợ hội viên trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ tại Italy. Đồng thời cũng góp phần quảng bá, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại Italy và thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại giữa Italy và Việt Nam.

Song song với ASSOEVI, Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã có những hoạt động hiệu quả để góp phần gia tăng cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp hai nước. Cụ thể, thông qua các Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Italy và Việt Nam đã tìm thấy đối tác thương mại, kết nối các nhà đầu tư và dịch vụ tư vấn đầu tư.

Thương vụ cũng xuất bản Newsletter điện tử hàng tháng, phối hợp với Phòng Thương mại Ý-Việt dịch bản tiếng Ý. Bản tin đã đề cập đến những hoạt động thương mại, đầu tư, cung cấp những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về các quy định trong EVFTA, thông tin về các ngành hàng cụ thể...

Bên cạnh đó, Thương vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, hội thảo tại các tỉnh thành trung tâm kinh tế của Italy nhằm giới thiệu quảng bá về thị trường Việt Nam, giúp kết nối các doanh nghiệp hai bên.

Đồng thời, thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vụ việc tranh chấp như: Thanh toán tiền hàng mà đối tác không giao hàng hoặc chưa thanh toán tiền hàng, xác minh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sở tại.

Tin liên quan

Đọc tiếp