Bà Phạm Chi Lan: 'Thu hút vốn FDI năm 2021 khả quan, Việt Nam vẫn cần lượng sức mình'

FDI Việt nAM
12:05 - 28/12/2021
Bà Phạm Chi Lan: 'Thu hút vốn FDI năm 2021 khả quan, Việt Nam vẫn cần lượng sức mình'
0:00 / 0:00
0:00
Nếu không xây dựng được môi trường thật tốt và tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài thì không gì có thể đảm bảo họ tiếp tục rót vốn vào như năm nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Tính đến 20/12/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Theo cơ cấu dòng vốn, số vốn đăng ký đăng ký cấp mới đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 dù số dự án giảm 31,1% xuống còn 1.738 dự án mới. Số vốn điều chỉnh tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 40,5% dù số dự án đăng ký điều chỉnh vốn giảm 13,6% xuống còn 985 lượt. Giá trị góp vốn, mua cổ phần giảm 7,7% xuống còn 6,9 tỷ USD do số lượt góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh 38,2% xuống 3.797 lượt.

Xu hướng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh tiếp tục tăng trong khi số dự án giảm mạnh cho thấy quy mô và chất lượng dự án FDI vào Việt Nam ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Số lượt và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại giảm có thể lý giải do làn sóng dịch COVID-19 tác động lớn đến thị trường mua bán và sáp nhập.

Trong khi đó, tính phân bổ theo ngành, bức tranh thu hút FDI vào Việt Nam của từng ngành cho thấy sự phong phú trong khẩu vị nhà đầu tư và sự chuyển dịch nhất định trong xu hướng dòng vốn.

Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI với các lĩnh vực tiềm năng là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng…, theo nhận định của ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM).

Trong bối cảnh dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trên bức tranh chung khó khăn của nền kinh tế trong năm qua, MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, Nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về triển vọng khu vực FDI năm 2022.

Trong một năm kinh tế khó khăn như 2021, thu hút vốn FDI tính đến ngày 20/12 vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà nhận định ra sao về con số này?

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm qua đúng là tăng trưởng khả quan. Mặc dù tình hình dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn có những dự án lớn, dự án mới đổ vào. Nhưng chúng ta vẫn phải biết "tự lượng sức mình". Nếu không xây dựng được môi trường thật tốt và tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài thì không gì có thể đảm bảo họ tiếp tục rót vốn vào như năm nay.

Không chỉ những yếu tố nội sinh, còn có nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến dòng vốn và hoạt động của khu vực FDI tại Việt Nam. Chẳng hạn việc Trung Quốc phong tỏa một tỉnh nơi Samsung sản xuất nhiều chip nhất, điều này có khả năng lập tức ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất sản phẩm Samsung tại Việt Nam cần dùng đến những con chip này. Tức là có những yếu tố nằm ngoài chủ quan của chúng ta.

Xem xét dòng vốn FDI nhiều khi phải đặt trong bối cảnh như vậy để không đặt kỳ vọng quá cao. Cũng nên lưu ý thêm rằng các dự án FDI mới có thể rất to nhưng cần thời gian xây dựng, triển khai chứ không phải đi vào hoạt động luôn được trong năm 2022.

Ảnh tác giả

"Chúng ta vẫn phải biết 'tự lượng sức mình'. Nếu không xây dựng được môi trường thật tốt và tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài thì không gì có thể đảm bảo họ tiếp tục rót vốn vào như năm nay".

Bà Phạm Chi Lan

Khi nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung dự báo sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong năm sau, bà đánh giá thế nào về triển vọng dòng vốn FDI trong năm 2022?

Đúng là kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ, nhất là ở các nước phát triển, các nền kinh tế lớn. Nhưng cần lưu ý cơ hội hồi phục của thế giới đâu chỉ dành riêng cho Việt Nam? Nó chia đều cho bao nhiêu quốc gia khác. Tức là quốc gia nào càng phục hồi sớm thì càng giành được cơ hội thị trường thế giới nhiều hơn, nhanh hơn. Về điều này, các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…đang làm tốt hơn Việt Nam.

Trong năm 2022, Việt Nam phải cố gắng rất nhiều, phục hồi thật nhanh để có cơ hội tận dụng đà phục hồi của thế giới, tiếp tục thu hút dòng vốn FDI.

Hướng đi nào để Việt Nam phục hồi nhanh chóng trong năm tới, thưa bà?

Ảnh tác giả

"Phục hồi không đơn giản, không dễ dàng. Cái tôi sợ nhất là liệu chúng ta có thực sự tạo được nền tảng và động lực cho tăng trưởng bền vững hay không, chứ không phải chỉ riêng phục hồi vào năm 2022."

Bà Phạm Chi Lan

Khi nền kinh tế cạn kiệt rồi thì rõ ràng người ta trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ. Hỗ trợ phải nhanh, phải kịp thời, phải đủ mạnh mới bật lên được. Nhưng đến bây giờ ta chưa làm được, nhanh cũng chưa có, kịp thời cũng chưa, lượng lớn cũng chưa đủ. Điều này các chuyên gia đã nói nhiều rồi, họ ước tính gói hỗ trợ phải có quy mô khoảng 8-9% GDP nhưng đến nay tổng các gói hỗ trợ của ta mới dừng lại ở 2,8% GDP, còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Chưa kể quy mô GDP của các nước lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Trước mắt, phải đổ nhiều nguồn lực vào mới phục hồi nhanh được.

Nhưng nếu phục hồi chỉ dựa vào đổ thật nhiều nguồn lực vào nền kinh tế thì không thể lâu dài, vì nguồn lực của mình có hạn, không có đâu mà phân bổ mãi. Ngoài ra, việc phân bổ nhanh chóng kịp thời nhất định phải đi kèm với hiệu quả, phải đặt tiêu chí hiệu quả lên hàng đầu mới có thể mang lại nền tảng vững chắc cho phục hồi. Ta phải hướng tới những mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn chứ không chỉ riêng cho năm 2022 đâu.

Xin cảm ơn bà!

Trong năm 2021, có nhiều dự án FDI quy mô khủng vào Việt Nam như dự án nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 3/2021; hay dự án nhà máy LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) với vốn điều chỉnh tăng 2,15 tỷ USD sau 2 lần xin cấp phép điều chỉnh vào tháng 2 và tháng 8/2021.

Bên cạnh đó đáng chú ý còn có dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD vào tháng 1/2021; dự án nhà máy quang điện Jinko Solar (Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký 865,6 triệu USD - bao gồm 2 dự án con trị giá 498 triệu USD vào tháng 3/2021 và 365,6 triệu USD vào tháng 9/2021.

Phân bổ theo ngành, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân trong nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản (trên 2,6 tỷ USD), bán buôn, bán lẻ (trên 1,4 tỷ USD).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dù vẫn dẫn đầu về số vốn đăng ký và số lượng dự án, nhưng ngành sản xuất, phân phối điện đang dần thu hẹp khoảng cách với các dự án quy mô vốn khủng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.