Bắc Ninh muốn hút vốn đầu tư từ Thụy Sỹ và châu Âu

Bắc Ninh FDI
19:18 - 31/08/2023
Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm tại Thụy Sỹ để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nhà đầu tư
Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm tại Thụy Sỹ để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nhà đầu tư
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sỹ và Phòng thương mại Thụy Sỹ – Châu Á tổ chức tọa đàm tại Thụy Sỹ để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Với chủ đề "Bắc Ninh – Cứ điểm sản xuất của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam", sự kiện có sự tham dự của đại diện hơn 30 doanh nghiệp Thụy Sỹ và các quốc gia lân cận như Áo, Bỉ, Đức và Ý, các hiệp hội kinh doanh và trường đại học tại Thụy Sỹ.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Đào Quang Khải cho biết Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam (823 km2), dân số khoảng 1,5 triệu người, nhưng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống Vùng Thủ đô và là 1 trong 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Ninh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 32 km, cách cảng biển Hải Phòng 90 km, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa toàn cầu.

Trong 25 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt trung bình 13,9%/năm. Đến nay, Bắc Ninh cơ bản là một trung tâm công nghiệp kỹ thuật cao với tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 76,5% nền kinh tế, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước đạt 65 tỉ USD năm 2021, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 45,1 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.900 USD/năm, đứng thứ 4 cả nước.

Địa phương cũng đẩy mạnh cải cách, đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Các chỉ số đánh giá của tỉnh luôn ở trong top 10 cả nước như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 7, chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 3, chỉ số hài lòng với dịch vụ hành chính công (SIPAS) xếp thứ 7 cả nước năm 2022.

Ông Đào Quang Khải nhận định: “Đạt được kết quả nêu trên, chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh”.

Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.975 dự án còn hiệu lực đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, đạt 24,44 tỉ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư nước ngoài lũy kế.

Nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tên tuổi trên thế giới đã đặt nhà máy ở Bắc Ninh như Samsung, Foxconn, Canon, PepsiCo, Amkor, GoerTek, VSIP… Trong đó có 4 dự án của 3 tập đoàn công nghiệp nổi tiếng của Thuỵ Sỹ với tổng vốn đầu tư 109,34 triệu USD như Tập đoàn ABB sản xuất các thiết bị và giải pháp phân phối điện; Tập đoàn Sika sản xuất chất phụ gia sử dụng trong xây dựng và Tập đoàn Oerlikon gia công cơ khí, tráng phủ kim loại.

Phó Chủ tịch UBND Đào Quang Khải giới thiệu các thông tin về tỉnh Bắc Ninh với các nhà đầu tư Thụy Sỹ và châu Âu.

Phó Chủ tịch UBND Đào Quang Khải giới thiệu các thông tin về tỉnh Bắc Ninh với các nhà đầu tư Thụy Sỹ và châu Âu.

Bắc Ninh trở thành Trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định, ngoài việc tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao được đào tạo tại Hà Nội, Bắc Ninh cũng có 6 trường đại học và 58 trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề hàng năm đào tạo một lực lượng nhân công lành nghề đáng kể. Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh thêm khâu đào tạo và dạy nghề, thành lập Làng đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của các nhà đầu tư.

Ông Khải cũng cho biết, Bắc Ninh mong muốn thu hút các đầu tư xanh và gắn với phương pháp vận hành, quản trị tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (pin năng lượng, chất bán dẫn, chíp…), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất phụ tùng ô tô...), công nghệ đầu cuối 5G và 6G, nông nghiệp sạch và công nghệ cao, tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về đào tạo, y tế quốc tế…), đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị và sinh thái.

Với chủ trương “2 thấp, 3 cao”, Bắc Ninh ưu tiên các dự án đầu tư có phạm vi sử dụng đất và lực lượng lao động thấp, nhưng hàm lượng công nghệ, tỉ trọng đầu tư và hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, về phía địa phương sẽ luôn hành động với tinh thần “4 sẵn sàng”, sẵn sàng mặt bằng sạch, sẵn sàng nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư.

“Chúng tôi cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với Vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao gồm các huyện Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành và Tiên Du”, Phó Chủ tịch Đào Quang Khải cho hay.

Ông Petr Valenta, Giám đốc toàn cầu về 2 dòng sản phẩm Trạm phân phối hợp bộ và giải pháp phân phối điện của Tập đoàn ABB chia sẻ thành công của tập đoàn tại Bắc Ninh với các nhà đầu tư.

Ông Petr Valenta, Giám đốc toàn cầu về 2 dòng sản phẩm Trạm phân phối hợp bộ và giải pháp phân phối điện của Tập đoàn ABB chia sẻ thành công của tập đoàn tại Bắc Ninh với các nhà đầu tư.

Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sỹ

Chia sẻ về thành công tại Bắc Ninh, ông Petr Valenta, Giám đốc toàn cầu về 2 dòng sản phẩm Trạm phân phối hợp bộ và giải pháp phân phối điện của tập đoàn ABB cho biết lý do tập đoàn này chọn đặt nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh năm 2010 và mở rộng thêm năm 2022 là vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống nhà cung cấp có uy tín quốc tế. Doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và nguồn nhân lực được đào tạo tốt.

Giám đốc Chiến lược và Phát triển Kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Oerlikon - ông Marco Freidl nhìn nhận Bắc Ninh có một hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ, kết nối thuận lợi với các đối tác và khách hàng của tập đoàn.

Trong vai trò cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư, Chủ tịch sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG) Nguyễn Thị Thục chia sẻ: “Bắc Ninh là địa phương thứ hai của Việt Nam, sau Đà Nẵng, đã thực hiện xúc tiến đầu tư tại Thụy Sỹ trong năm 2023 dưới sự tổ chức của SVBG.

Thông qua mạng lưới hội viên và quan hệ quốc tế của mình, SVBG và các đối tác tổ chức đã giới thiệu sự kiện rộng rãi đến doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các công tư vấn đầu tư và các tổ chức nghiên cứu kinh tế tại châu Âu, giúp các địa phương ở Việt Nam trở nên gần gũi với giới kinh doanh tại Thụy Sỹ và các quốc gia lân cận, góp phần nâng cao hình hình ảnh Việt Nam như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Cũng tại Tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein Phùng Thế Long cho biết, tháng 2/2023 Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ đã ban hành Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026. Trong đó Chính phủ Thụy Sỹ nhận định: “Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á, là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sỹ".

Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gấp 3 lần trong 6 năm trước đại dịch. Đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ tại Việt Nam tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ. Thụy Sỹ đang phấn đấu ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội thương mại tự do châu Âu - EFTA (tổ chức mà Thụy Sỹ là thành viên) với Việt Nam. Đây là cách thúc đẩy hơn nữa các điều kiện cho kinh doanh và xóa bỏ những thiệt thòi ở nước sở tại của các công ty Thụy Sỹ so với các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu.

Hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổng diện tích 6.398 ha. Trong đó có 16 dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy khoảng 58,6%, và 8 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Các Khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phúc lợi xã hội dồi dào và ổn định, đảm bảo an sinh cho người dân và công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt: 1,14 tỷ USD, trong đó: cấp mới cho 182 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 768,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 88 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 352,47 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho 33 lượt với giá trị là 16,47 triệu USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle. Ảnh: Bosch Vietnam

Chân dung tân Chủ tịch EuroCham

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố Hội đồng quản trị năm 2024 và bổ nhiệm ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, làm tân chủ tịch.