Bamboo Airways có tân Chủ tịch HĐQT là người Nhật

BAMBOO AIRWAYS Hàng KHông
16:17 - 21/06/2023
Ông Hideki Oshima trong buổi gặp gỡ với Bamboo Airways hồi 2019. Ảnh: FLC
Ông Hideki Oshima trong buổi gặp gỡ với Bamboo Airways hồi 2019. Ảnh: FLC
0:00 / 0:00
0:00
Tân Chủ tịch Bamboo Airways có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các cảng hàng không, hãng bay lớn của châu Á.

Sáng 21/6, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Toàn bộ 7 thành viên đề cử đều trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Trong đó có ông Nguyễn Ngọc Trọng là Chủ tịch HĐQT của Bamboo Airways nhiệm kỳ trước; ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm hiện là hai cổ đông lớn của Bamboo Airways, cựu thành viên HĐQT Bamboo Airways; ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cựu thành viên HĐQT Bamboo Airways.

Ba thành viên mới vào HĐQT Bamboo Airways là ông Hideki Oshima - cựu giám đốc khối Quan hệ quốc tế của Japan Airlines; ông Phan Đình Tuệ, hiện là thành viên HĐQT Sacombank và mới từ chức phó tổng giám đốc Sacombank từ ngày 15/6; ông Trần Hoà Bình chưa có nhiều thông tin.

Cùng ngày, HĐQT Bamboo Airways cũng đã họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ông Hideki Oshima, Bamboo Airways còn mời ông Masaru Onishi - cựu Chủ tịch Japan Airlines làm cố vấn cho hãng. Trong phần thảo luận với cổ đông, ông Nguyễn Ngọc Trọng – cựu Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, hai chuyên gia người Nhật có rất nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành, phát triển mảng quan hệ quốc tế và tham gia các liên minh hàng không lớn. Đây cũng chính là những nhân sự tham gia công cuộc tái cấu trúc Japan Airlines, từ bờ vực phá sản trở nên có lãi.

“Bamboo Airways tin tưởng rằng với sự tham gia của ông Masaru Onishi và ông Hideki Oshima sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và tính kỷ luật trong công tác quản trị, mở rộng mạng lưới thị trường quốc tế và các liên minh hàng không”, ông Trọng nói.

Phát biểu tại sự kiện, ông Oshima Hideki nhấn mạnh, tính an toàn là yếu tố tiên quyết trong hàng không, tiếp theo đó là việc cung cấp dịch vụ chất lượng cho hành khách. “Để làm được điều này, sự vui vẻ và hạnh phúc của các nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân sự tuyến đầu là yếu tố then chốt. Bởi vậy, tôi sẽ luôn nỗ lực hỗ trợ và sát cánh với các nhân viên để thúc đẩy tinh thần đồng đội xuyên suốt từ ban lãnh đạo”, ông Oshima Hideki cho hay.

Theo ông, yếu tố quan trọng để cải thiện lợi nhuận trong lĩnh vực hàng không xuất phát từ việc mỗi nhân viên sẽ phải có trách nhiệm với chi phí của chính bộ phận mình. Nói cách khác, mỗi cá nhân phải có ý thức và tư duy của người làm quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là văn hóa doanh nghiệp mà ông mong muốn sẽ xây dựng và lan toả tại Bamboo Airways.

Tân Chủ tịch Bamboo Airways có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các cảng hàng không, hãng bay lớn của châu Á như: Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Japan Airlines – Nhật Bản, Phó Tổng giám đốc Sân bay Narita Tokyo – Nhật Bản, Giám đốc dự án Sân bay Haneda Tokyo – Nhật Bản...

HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ mới gồm 7 người.

HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ mới gồm 7 người.

Mục tiêu có lãi vào năm 2024

Tại đại hội, ông Nguyễn Minh Hải - Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, công ty đặt mục tiêu “phải hoà hoặc có lãi vào năm 2024”, chứ không phải là “hy vọng có hết lỗ” nữa.

Theo ông Hải, số lỗ hơn 17.600 tỷ đồng ghi nhận năm 2022 là của cả một thời kỳ và đưa vào năm 2022 chứ không phải riêng năm này. Kết thúc năm 2022, Bamboo Airways đã hết giai đoạn hình thành và bây giờ sẽ phát triển. “Giá trị vốn điều lệ của Bamboo Airways tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng, tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản là 0,7 lần”, ông Hải nhấn mạnh.

Nói về kế hoạch năm 2023, ông Nguyễn Minh Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần của Bamboo Airways đạt 51% so với tổng doanh thu thuần năm 2022. Từ tháng 1/2023, Bamboo đã đạt điểm hoà vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tuy nhiên, năm nay vẫn là một giai đoạn khó khăn của các hãng hàng không trong đó có Bamboo Airways. Trên toàn cầu, các thị trường châu Âu và châu Mỹ đã có lãi trở lại do sức mua tốt hơn và tương đối nhạy bén so với khủng hoảng, cùng tăng cùng giảm. Nhưng với các hãng châu Á, IATA vẫn dự báo khu vực này sẽ lỗ khoảng 6 tỷ USD trong năm 2022.

Theo vị CEO, do nhu cầu nén vào năm 2022 đã bung ra nên 2023 người dân sẽ tiết kiệm trở lại, đây là một trong những yếu tố không thuận lợi với ngành hàng không. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng là vấn đề đau đầu với các hãng hàng không, hiện đã ổn định nhưng ở mức cao. Một số thị trường phục hồi tốt không tốt như kỳ vọng.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt lỗ vào năm 2024, ông Hải cho biết, Bamboo Airways phải tăng quy mô sản xuất, 30 chiếc máy bay là không đảm bảo hiệu quả. Do đó, công ty sẽ tiếp tục tăng số máy bay bằng việc thuê, mua. "Giá tàu bay cho thuê hiện cao hơn và nguồn cung khan hiếm, rất may là trong năm 2021-2022, ban lãnh đạo Bamboo Airways đã chớp được cơ hội và nâng đội tàu bay lên 30 chiếc", ông Hải nói.

Liên quan đến việc tăng quy mô, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, Bamboo Airways đặt mục tiêu mỗi năm tăng 8-10 máy bay, phấn đấu đến năm 2026 nâng đội bay lên 100 chiếc.

Tin liên quan

Đọc tiếp