Bộ KH&ĐT cập nhật kịch bản tăng trưởng: 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9%

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
14:23 - 04/07/2023
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với kịch bản thứ hai hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 6,5%, tăng trưởng quý 3 phải đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3% và tính chung 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9%.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, diễn ra hôm nay 4/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước.

Tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh năng lượng; đẩy mạnh ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế.

Đồng thời, các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ đã tích cực làm việc với địa phương. Chính phủ chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư ngay tại địa bàn.

Trong số đó, các chính sách nổi bật, tạo được đồng thuận xã hội như: Gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất tiền gửi và cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xử lý vướng mắc trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư, môi trường, y tế, đăng kiểm,...

Cũng trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khởi công đường Vành đai 3 TP HCM; Vành đai 4 Hà Nội; đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; khánh thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị và công điện chỉ đạo về việc xử lý tình trạng thiếu điện, cắt điện; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước...

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã lấy lại đà tăng trưởng

Thông tin về kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định. Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý 2 cao hơn quý 1 cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TP HCM tăng 5,9% (quý 1 tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý 1 tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý 1 tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý 1 tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý 1 giảm 4,5%)...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội.

Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Bộ KH&ĐT cập nhật kịch bản tăng trưởng: 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9% ảnh 1

Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đồng bộ loạt giải pháp trong nửa cuối năm

Trên cơ sở kết quả quý 2 và 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 3 và cả năm 2023.

Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý 3 đạt 6,8%, quý 4 đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý 3 đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 - Ảnh: VGP

Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 - Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những tháng cuối năm, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động.

Theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, tổ chức vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân...

Đọc tiếp