Bộ trưởng Tài chính đề xuất siết quản lý mục đích sử dụng đất để tránh thất thoát

Đất Đai Việt nAM
13:35 - 18/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cơ quan hành chính phải siết chặt việc quản lý mục đích sử dụng đất, bởi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về địa tô chênh lệch.

Thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 ngày 18/9, bàn về vấn đề sửa Luật Đất đai và khắc phục những lỗ hổng trong Luật, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, một quyết định hành chính cũng có thể gây thất thoát hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo ông, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là kim chỉ nam định hướng ban hành các văn bản pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, có 3 vấn đề về tài chính đất đai liên quan cần quan tâm.

Vấn đề đầu tiên là chênh lệch địa tô, theo Bộ trưởng, yếu tố này sẽ xảy ra trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu đất không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại diễn đàn.

Bộ trưởng Tài chính nêu ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ nên cần có cơ chế bịt lỗ hổng này.

Vấn đề thứ hai là giá đất. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số lỗ hổng. Bộ trưởng cho rằng, sắp tới phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp phù hợp nhất, chính xác và nhất quán.

Vấn đề cuối cùng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng phải xác định giá đất trước thời điểm xác định giao đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Theo đó chỉ khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.

Đồng thời, giao đất theo đấu giá sẽ phù hợp xây dựng các công trình đô thị hoặc nhà ở. Còn với đất sản xuất nếu để giá thấp thì sẽ dễ cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Ngoài ra việc miễn thuế cho các loại đất sản xuất như đất khu kinh tế, đất vùng đặc biệt khó khăn phải được đưa vào luật thay vì chỉ là Nghị định như hiện tại.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Sửa đổi Luật Đất đai trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch.

Trong khi đó, với vai trò là cơ quan có liên quan trực tiếp đến sửa Luật Đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, rộng lớn, phức tạp, liên quan nhiều đối tượng khác nhau.

Về cơ sở để lựa chọn phương án thiết kế, xây dựng quy định pháp luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, cần dựa trên cơ sở là lợi ích tổng thể của đất nước, phải tính toán đến lợi ích của người dân, đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch khi phân chia các lợi ích này.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Về việc phân bổ nguồn lực đất đai, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay, có hai loại ý kiến: Thứ nhất là thống nhất giao đất theo hình thức đấu giá, đấu thầu, làm rõ việc chỉ định giao đất, không đấu giá đấu thầu. Thứ hai là tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn quyền sử dụng đất, chuyển mục đích không đấu thầu đấu giá.

Trong dự thảo Luật Đất đai lần này, có quy định trường hợp tự chuyển nhận, tự sắp xếp sử dụng đất của một nhóm người dân thì không cần đấu thầu, đấu giá, nhưng việc một doanh nghiệp làm dự án đất thương mại, đất nhà ở thì có phát sinh địa tô, quyền định đoạt thu hồi, phân bổ lại là ở nhà nước.

Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được Quốc hội quyết định, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu ra ba nội dung cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai, gồm công tác quy hoạch, vấn đề định giá đất đai và tăng cường hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Đề xuất giao UBND cấp tỉnh dành quỹ đất trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Thảo luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ đã được Quốc hội, Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đang đề xuất 8 nhóm chính sách; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được đề xuất 4 nhóm chính sách. Các nhóm chính sách đều liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Đối với chính sách về đất đai, đây là nhóm chính sách rất quan trọng có tác động to lớn tới 2 bộ luật này. Liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển các dự án nhà ở, dự án đầu tư thời gian tới, trong dự thảo Luật, Bộ Xây dựng có đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.

Đối với việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ, trong thời gian qua, pháp luật về nhà ở đã quy định đối với việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, việc dành quỹ đất được giao cho các chủ đầu tư, các dự án thương mại 20% quỹ đất và thực hiện từ các đô thị từ loại III trở lên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực hiện trên diện rộng, trong khi đó, nếu chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III thì sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loại III, đặc biệt là những khu vực khu công nghiệp, có nhiều lực lượng lao động.

Do đó, trong dự thảo Luật đã định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhận là một chính sách được Đảng, Nhà nước quan tâm cho người nghèo, người thu nhập thấp, lực lượng vũ trang. Cho nên, trong dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đề xuất việc dành quỹ đất giao cho UBND các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng phải dành lượng đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Về việc phân bổ đất cho các nhà đầu tư, Thứ trưởng nêu vấn đề ngoài những loại đất được quy định, với những loại đất khác mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, đã phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch đô thị thì có được chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp này hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng nếu vấn đề này cùng vấn đề giá đất được giải quyết sẽ tạo nguồn lực lớn cho nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.

Tin liên quan

Đọc tiếp