Bộ trưởng Tài chính: Sắp xếp nhà đất là nút thắt của cổ phần hóa DNNN

QUỐC HỘI Bộ Tài Chính
10:21 - 08/06/2022
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội, trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì phải có sự sắp xếp về nhà đất, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước và phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hoá.

Sau khi kết thúc nội dung chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ nhất về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ sáng 8/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính, gồm: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; Giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.

Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Chịu trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp thuộc trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan gồm có: Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước.

Trên cương vị là một Bộ đa ngành, thực hiện công tác quản lý, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quản lý nhiều lĩnh vực như ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tài sản công, thị trường chứng khoán, bảo hiểm…; Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội; trả lời thẳng, cụ thể các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Sắp xếp nhà đất là nút thắt của cổ phần hóa

Mở đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, các đại biểu nêu các vướng mắc trong tình hình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, đặc biệt là công tác xử lý về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP HCM) cho rằng, việc lên phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn do pháp lý phức tạp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP HCM) cho rằng, việc lên phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn do pháp lý phức tạp.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định 167, bây giờ là Nghị định 67, trước khi cổ phần hóa phải có sự sắp xếp về nhà đất, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước và phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hoá hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hoá. Đây là quy định hợp lý vì đất đai là của Nhà nước.

Tuy nhiên việc sắp xếp nhà đất cũng là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Theo Bộ trưởng, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.

Do đó, giải pháp trong thời gian tới là, việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Đối với việc Nghị định 32 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cho biết, việc đưa lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý. Bởi lợi thế thương mại chỉ ước chừng chứ không có tiêu chí chính xác để đánh giá. Giá trị đất thì hôm nay đắt, ngày mai có thể rẻ.

Do đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính, từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 5 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỷ đồng, trong đó có 01 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 0,7% kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,8 tỷ đồng thu về 85,1 tỷ đồng, còn lại là thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty tại doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.