Bộ Xây dựng đang trình đề án xây 1 triệu nhà ở xã hội

Bộ xây dựng QUỐC HỘI
15:21 - 03/11/2022
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết cơ quan này đang thúc đẩy các chính sách đặc biệt nhằm phát triển nhà ở xã hội. Nếu đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt thì nguồn cung và giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp hơn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp Thứ 4, Quốc hội khóa XV chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn về hàng loạt vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản, xây dựng nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP HCM đặt vấn đề với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị về việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.

Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dù đạt được những kết quả ban đầu, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng. Đến nay cả nước mới có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội trong khi yêu cầu là 12,5 triệu m2. Quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng chỉ đáp ứng được 36,34%.

Lý giải kết quả trên, Bộ trưởng cho rằng quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc cần nghiên cứu và sửa đổi bổ sung, đặc biệt là Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

Nêu giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới cần sửa đổi các nội dung như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội; xác định giá nhà ở xã hội trước khi giao dịch; các ưu đãi cho chủ đầu tư dự án. Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành diện tích tối thiểu 20% để cho thuê. Chưa có quy định cho phép các tổ chức doanh nghiệp hợp tác, hợp tác xã được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, ngân hàng chính sách xã hội mới bố trí được 35% so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng cũng chưa được bố trí.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chưa chú trọng, quan tâm vào hoạt động liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Cũng liên quan đến nội dung này, Đại biểu Tô Văn Tám - ĐBQH Tỉnh Kon Tum nêu mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động thu nhập thấp, tuy nhiên giá nhà ở xã hội hiện nay ở mức cao, bình quân trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2. Đại biểu đặt vấn đề liệu có thể đưa giá nhà ở xã hội về mức thu nhập của công nhân hay không?

"Nếu được thì giải pháp như thế nào, trong thời gian bao lâu?", đại biểu Kon Tum đặt câu hỏi.

Trả lời Đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận mục tiêu phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân do chưa đảm bảo được nguồn cung, đồng thời quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Mặt khác, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư chưa thực sự thu hút.

Đồng thời, quá trình, thủ tục tổ chức thực hiện còn phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đủ, từ đó khiến giá nhà còn cao so với thu nhập của đối tượng.

Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về sửa đổi các luật liên quan, qua đó cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội với nhiều chính sách ưu đãi.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng nếu thực hiện được đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt thì nguồn cung và giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp hơn.

Về đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên băn khoăn về nguồn ngân sách để hiện thực hóa đề án, đặc biệt khi nhà ở xã hội hiện nay không hấp dẫn doanh nghiệp. Đại biểu cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ Xây dựng trước tình trạng một số doanh nghiệp khi lập dự án nhà ở xã hội nhưng chuyển đổi sang nhà ở thương mại để bán.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.

Giải đáp thắc mắc vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp còn rất lớn, việc triển khai thực hiện trên thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng đề án này, gồm nhiều gói giải pháp từ xây dựng pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện cho đến huy động nguồn lực. Cho đến nay, dưới sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, Bộ trưởng khẳng định đề án này hoàn toàn khả thi.

Trong khi đó, về lo ngại nhà ở xã hội chuyển sang nhà ở thương mại, Bộ trưởng cho biết phát triển nhà ở xã hội phải đảm bảo theo pháp luật, có các quy định riêng, điều kiện ưu đãi, chính sách riêng. Do đó, để chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại cần đáp ứng nhiều điều kiện chặt chẽ như phù hợp quy hoạch, phù hợp chương trình kế hoạch phát triển nhà ở và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo không thất thoát tài sản Nhà nước.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.