Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 ở trẻ em

COVID-19 Việt nAM
18:05 - 07/07/2022
Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 ở trẻ em
0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em, mục đích nhằm loại trừ được các biến chứng nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo Bộ Y tế, việc chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em (hậu COVID-19 ở trẻ em) cũng nhằm hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác. Hướng dẫn này áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Tại hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ, đa số trẻ nhiễm COVID-19 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính, được gọi là hội chứng sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em.

Các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị sau nhiễm COVID-19 bao gồm trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19, bị COVID-19 nặng; trẻ dư cân, béo phì; trẻ trên 6 tuổi; có giới tính nữ; có bệnh nền, bệnh lý mạn tính; có tiền sử dị ứng, hen, cơ địa dị ứng; trong quá trình mắc COVID-19 phải điều trị thở máy, hồi sức lốc, lọc máu, ECMO, nằm khoa hồi sức cấp cứu.

Bộ Y tế cho biết, việc chẩn đoán hội chứng sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em sẽ được thực hiện khi có đủ 3 tiêu chuẩn sau. Cụ thể, khi trẻ đã khỏi COVID-19, có các triệu chứng xuất hiện sau nhiễm COVID-19 cấp tính ít nhất 4 tuần và các triệu chứng này không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) đối với trẻ sau khi mắc COVID-19 khoảng từ 2 -6 tuần. Khi đó trẻ sẽ có các dấu hiệu sốt và có tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin) và tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh).

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa

Đồng thời, tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nhấn mạnh cần chỉ định xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng tùy theo từng người bệnh, dựa trên các dấu hiệu/triệu chứng lâm sàng ở thời điểm thăm khám và định hướng chẩn đoán/chẩn đoán phân biệt. Mục tiêu chính là loại trừ biến chứng nặng gây ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm COVID-19 với các lý do khác.

Bộ Y tế dẫn thông tin từ PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện, có đến 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C, trong số này 50% phải nằm hồi sức. Các trường hợp này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO.

Tại Bệnh viện Nhi TW, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như đều là các trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19.

Một nhóm yếu thế nữa trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ cũng có thể mắc COVID-19. Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc COVID-19, phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già.

Tin liên quan

Đọc tiếp