Bộ Y tế họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ

đậu mùa khỉ Việt nAM
20:44 - 24/07/2022
Bộ Y tế họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ
0:00 / 0:00
0:00
Chiều ngày 24/7, Bộ Y tế đã có buổi họp khẩn để bàn về các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh WHO vừa ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với căn bệnh này tương tự như với Covid-19.

Tại cuộc họp khẩn diễn ra chiều 24/7 thông qua hình thức trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì, các chuyên gia nhận định Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ bệnh này xâm nhập rất lớn, do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia.

Trước đó, ngày 23/7 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tương tự như Covid-19, sau khi số ca mắc đã lây lan với tốc độ chưa từng có tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đây là lần thứ hai trong hơn hai năm qua, WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, hay còn có tên đầy đủ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng đồng Quốc tế (PHEIC). Lần đầu là đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Đây cũng là mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố, trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới trong đợt dịch này đã lên tới hơn 16.500 ca và 5 ca tử vong.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singarpore đã ghi nhận ca bệnh. Việt Nam được WHO xếp thuộc vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa...được quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu. Trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động.

Về phía WHO cũng có khuyến cáo cụ thể đối với từng nhóm quốc gia. Trong đó, đối với nhóm 1 (các quốc gia bao gồm Việt Nam), cần kích hoạt hoặc thiết lập cơ chế phối hợp đa ngành giữa Bộ Y tế và các ban ngành khác để tăng cường sẵn sàng ứng phó với bệnh Đậu mùa khỉ. Đồng thời thiết lập và tăng cường giám sát dịch tễ học bệnh đậu mùa khỉ; nâng cao năng lực phát hiện bệnh bằng cách nâng cao nhận thức và đào tạo nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Đậu mùa khỉ, tăng cường cung cấp thông tin về bệnh này...

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Các vết nhiễm trùng sau đó hình thành trên cơ thể. Một người được coi là không còn lây nhiễm sau khi các tổn thương đã biến mất và một lớp da mới hình thành. Bệnh này đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại nhiều quốc gia.

Theo WHO, virus đậu mùa khỉ có 2 dòng - chủng Tây Phi, được cho là có tỉ lệ tử vong khoảng 1% và chủng này lan rộng ở châu Âu và các nơi khác, trong khi chủng Congo Basin, có tỉ lệ tử vong gần 10%. Đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và được coi là bệnh đặc hữu ở nhiều vùng của Châu Phi. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát mới nhất, bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận gia tăng ở các quốc gia trước đây chưa có báo cáo về căn bệnh này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.