Các công ty thủy sản vượt kế hoạch kinh doanh giữa đại dịch

XUẤT KHẨU Việt nAM
10:21 - 28/01/2022
Các công ty thủy sản vượt kế hoạch kinh doanh giữa đại dịch
0:00 / 0:00
0:00
Lần lượt các công ty thủy sản đều có sự hồi phục về thời kỳ trước đại dịch, thậm chí CTCP Thực phẩm Sao Ta năm 2021 còn ghi nhận mức lãi cao kỷ lục trong suốt 26 năm hoạt động của mình.

Ngành xuất khẩu năm 2021 trở thành điểm sáng phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành thủy sản. Theo thống kê của VASEP, năm 2021, thủy sản xuất khẩu đạt 73.790 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 776 triệu USD. Trong đó, riêng sản phẩm tôm đông lạnh chiếm đại đa số, đạt tới 755 triệu USD.

So với kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 87,6% và bằng 98,86% so với cùng kỳ, nhưng đây là kết quả đáng ghi nhận và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch, giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và đứt gãy. Thêm vào đó, giá nguyên liệu, cước phí vận chuyển tăng cao và đồng thời, các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động.

Nhờ đổi mới, mở rộng theo hướng hiện đại hóa và tận dụng cơ hội thị trường, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi lực cầu của các thị trường hồi phục, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đã có sự tăng trưởng so với năm trước.

Trong đó, CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) đạt mức doanh thu 9.054 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.752 tỷ đồng, tăng 72%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 54%.

Năm nay, doanh nghiệp được mệnh danh là “Nữ hoàng cá tra” này đã vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021. Tổng tài sản tính đến 31/12/2021 của VHC ghi nhận hơn 8,734 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm.

Kế đó, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bến Tre - mã chứng khoán ABT) cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần đạt gần 342 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ chi phí giá vốn giảm kèm theo doanh thu từ hoạt động tài chính tăng cao, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt gần 34 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty cho biết, năm nay lợi nhuận tăng cao là do ABT đã cải tiến nhiều khâu trong sản xuất làm cho giá thành sản phẩm giảm, bên cạnh đó giá bán cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) có kết quả kinh doanh năm 2021 doanh thu đạt 5.199 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 267 tỷ đồng. Đây là con số lãi cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động của công ty.

2021 cũng là năm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi lĩnh vực nuôi tôm của Sao Ta, góp phần bù đắp cho mảng chế biến của công ty trong năm vừa qua. Năm 2021, FMC đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng và kết thúc năm FMC đã hoàn thành vượt 12% mục tiêu về doanh thu và vượt hơn 15% mục tiêu về lợi nhuận.

Tương tự như vậy, CTCP Thủy sản Miền Trung (mã chứng khoán SPD) cũng cho biết doanh thu năm 2021 đạt hơn 858 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tương đối cao nên lợi nhuận gộp thu về chỉ gần 65 tỷ đồng, chỉ tăng 10% so với năm trước.

Cũng ghi nhận lợi nhuận so với năm trước là CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), có doanh thu năm 2021 đạt 1.213 tỷ đồng, tăng 27%. Dù giá vốn cao khiến lợi nhuận gộp đạt 154 tỷ đồng chỉ tăng nhẹ so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn đạt hơn 42 tỷ đồng, tăng tới 50% do giảm các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Trong khi đó ở chiều ngược lại về lợi nhuận, CTCP Thuỷ sản Nam Việt (mã chứng khoán ANV), năm 2021 doanh thu thuần đạt 3.494 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 128 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2020.

Kết thúc năm 2021, công ty đã thực hiện được 90% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận 2021. Nguyên nhân lợi nhuận giảm là do chi phí lãi vay tăng, chi phí bán hàng cũng tăng cao chủ yếu là chi phí cước tàu và chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, CTCP Thủy sản Bạc Liêu (mã chứng khoán BLF) cũng ghi nhận doanh thu giảm 21% so với năm trước, chỉ đạt gần 419 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt 93 tỷ đồng, giảm 31% và lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 7 tỷ đồng do doanh thu từ hoạt động kinh doanh và các khoản thu khác ảm đạm.

Trong năm 2022, VASEP kỳ vọng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động dịch vụ, du lịch sẽ hồi phục làm tăng trưởng sức cầu. Bên cạnh đó, thời tiết năm tới cũng không gây tác động xấu đáng kể tới ngành nuôi tôm, trong khi đó giá tôm thương phẩm hiện đang rất tốt.

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 khiến không ít người lao động có ý định trở về quê lập nghiệp. Đây được coi là cơ hội cơ cấu lại nguồn lao động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh cơ hội, năm 2022 cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến từ các nước đối thủ mạnh mẽ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia khi các nước này đều đã thoát khỏi đại dịch, đang hồi phục và tăng tốc chinh phục thị trường. Trong đó, Ecuador, Ấn Độ có thế mạnh là tôm giá rẻ, còn tôm của Indonesia lại không phải chịu thuế ở Mỹ và cũng không bị kiểm tra nhập khẩu gay gắt như tôm Việt Nam tại Nhật Bản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nhà thờ Đức Bà tại TP HCM.

TP HCM sẽ quảng bá du lịch tại Australia

Sở Du lịch TP HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney sẽ tổ chức chương trình Quảng bá Du lịch Việt Nam - TP HCM  tại hai bang New South Wales và Victoria, Australia từ ngày 13-17/5/2024.