'Cần cải cách nguồn thu từ đất để tạo nguồn lực phát triển đô thị'

đô thị Việt nAM
11:24 - 17/11/2022
Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Còn thiếu khung pháp lý, hạn chế về kinh phí.
Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Còn thiếu khung pháp lý, hạn chế về kinh phí.
0:00 / 0:00
0:00
Việc quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật nhưng vẫn còn tồn tại không ít điểm nghẽn, hạn chế, chưa phát huy được hết các tiềm lực quốc gia.

Phát biểu tại chuyên đề "Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam" trong khuôn khổ Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 diễn ra chiều 16/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, tính đến tháng 9/2022, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 41,5%, mức tăng trưởng dân số đô thị trung bình khoảng 1 triệu người/một năm.

Không gian đô thị ngày càng được mở rộng, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, với trên 70% GDP tới từ các khu vực đô thị.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.

Chưa có công cụ kiểm soát hệ thống đô thị trên cả nước

Bà Thủy cho rằng, những kết quả đạt được trong quá trình phát triển đô thị là vì thể chế chính sách về quy hoạch, phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện chất lượng, đồng bộ hơn.

"Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về phát triển đô thị cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và mô hình chính quyền đô thị, mô hình liên kết và quản trị vùng đô thị. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển…", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng hệ thống pháp luật về quản lý và phát triển đô thị hiện hành khá phức tạp, với hơn 20 luật khác nhau, 5 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn 90 Nghị định hướng dẫn các luật nói trên.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Thái, hệ thống các quy định hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và vẫn còn tồn tại một số các vấn đề chưa được quy định, điều chỉnh. Đặc biệt là chưa có công cụ kiểm soát hệ thống đô thị, phân bổ đô thị trên cả nước.

"Hiện nay chúng ta đã đưa ra quy hoạch hệ thống đô thị nhưng cách thức thế nào để các địa phương tuân thủ, làm sao để quy hoạch đưa ra hiệu quả thì chưa được làm rõ", ông Thái nhấn mạnh.

6 nhóm vấn đề của quy hoạch đô thị

Theo đánh giá của ông Thái, quá trình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đang đối mặt với 6 nhóm vấn đề, đó là: phân loại đô thị đáp ứng đúng bản chất, đặc điểm vùng miền, vị trí văn hóa; phát triển đô thị gắn với kiểm soát được tỷ lệ đô thị hóa, đất phát triển đô thị, hình thành vùng đô thị, phát triển đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh;

Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng là vấn đề cần quan tâm hơn khi có tới 25% dân cư đô thị có điều kiện sống chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển khu vực hình thành mới; quản lý hạ tầng đô thị, bảo vệ cảnh quan đô thị; phát triển đô thị theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Ông Thái cho biết, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 700 phường đạt tiêu chuẩn, nhưng để làm được điều này cần một nguồn lực khổng lồ khoảng 50 tỷ USD, trong khi ngân sách chỉ có thể huy động từ 5-7 tỷ USD cho phát triển đô thị.

Các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo chia sẻ quan điểm rằng, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững không tự diễn ra mà là do quá trình vận động của hoạch định, thực hiện chính sách.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, hành động mạnh mẽ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Đây là điều cần thiết nhằm thúc đẩy, định hướng cho quá trình đô thị hóa vì lợi ích của tất cả người dân. Thông qua chính sách đô thị, Chính phủ có cơ sở để tạo điều kiện tích cực cho sự phát triển của các thành phố.

Chính sách đô thị hiện nay cũng đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp, đa chiều vượt ra ngoài cách tiếp cận hạn chế đối với quy hoạch vật thể mà trước đây được coi là đầy đủ trong việc xác định các khu vực chính sách đô thị.

Bên cạnh đó, chính sách đô thị quốc gia phải tập trung vào những ưu tiên thiết thực như thiết kế, mô hình đô thị bền vững cả về hình thái lẫn mật độ qua mô hình đô thị nén.

Kết nối đô thị qua hành lang giao thông, thúc đẩy sản xuất tập trung để tận dụng lợi ích quy mô kinh tế, hạn chế mở rộng đô thị vào vùng nông thôn.

Cùng với đó, thúc đẩy giao thông công cộng, khai thác sử dụng đất gắn với giao thông (TOD) và cải tạo không gian xanh…

TS Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat Việt Nam) nhận định: “Thông qua việc xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển chung, chính sách đô thị hỗ trợ gắn kết chính sách liên ngành liên quan đến đô thị, thiết lập tiêu chuẩn về các dịch vụ cơ bản, thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ đô thị một cách hiệu quả, hợp lý".

"Chính vì vậy, chính sách đô thị phải là cấu phần quan trọng trong chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia. Qua đó, tăng cường xây dựng thể chế đô thị, thúc đẩy vai trò lãnh đạo và tính sáng tạo cũng như xây dựng năng lực, đối thoại, triển khai chính sách với các bên liên quan trong quá trình phát triển".

TS Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat Việt Nam)

Quy hoạch đẹp nhưng thiếu nguồn kinh phí thực hiện

Nhìn nhận về vấn đề quản lý, phát triển đô thị hiện nay, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là quy hoạch rất đẹp, nhưng lại thiếu nguồn kinh phí đầu tư để thực hiện.

Theo GS Đặng Hùng Võ, cần có một báo cáo về thu từ đất để phát triển đô thị vì đất là nguồn lực có thể vốn hóa để phát triển đô thị. Bình thường phải lấy từ ngân sách để phát triển đô thị và số tiền này rất ít, nên cần cải cách nguồn thu từ đất để có nguồn lực trực tiếp cho phát triển đô thị.

Cũng theo vị chuyên gia này, để phát huy tối đa nguồn lực đất đai đô thị hiện nay nhiều nước đã phân biệt rõ các loại đất và bán quyền phát triển trên đất. Đồng thời, tăng nguồn thu thông qua chính sách thuế tài sản, thu từ giá trị đất đai tăng thêm.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong giai đoạn năm 2000 - 2020, các địa phương chỉ tập trung vào việc thu tiền sử dụng, tiền thuê đất, thu một lần khi Nhà nước thu hồi và giao đất (chiếm 68%), thu thuế phí khi chuyển nhượng đất (chiếm khoảng 17%), thu tiền cho thuê đất (chiếm khoảng 13%).

Do đó, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị cần thay đổi cơ chế nguồn thu từ đất đô thị hiện nay theo hướng tập trung vào thu thuế tài sản, các khoản thu từ giá trị gia tăng trên đất.

"Chúng ta cần chuyển nguồn thu chính dựa vào giá trị đất đai từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất sang thu từ thuế bất động sản và thu từ giá trị tăng thêm của đất do phát triển đô thị mang lại. Cơ chế chuyển dịch đất đai cần chuyển hẳn sang cơ chế góp/tái điều chỉnh đất đối với mọi dự án đầu tư sinh lợi và tất cả các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị".

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

"Diện Nhà nước thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không có khả năng sinh lợi, nhưng phải giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng do thu hồi đất gây ra", ông Võ nói.

Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân

Bổ sung thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Quang cho rằng các thách thức tài chính to lớn trong việc phát triển đô thị sẽ không thể được đáp ứng nếu chỉ thông qua các hành động của khu vực công.

Khu vực tư nhân phải đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự phát triển đô thị bền vững về mặt xã hội, kinh tế và môi trường.

"Có vô số cách để các thành phố làm việc với khu vực tư nhân để đạt được mục tiêu này, bao gồm các cơ cấu hợp tác công - tư (PPP) khác nhau.

Hơn nữa, tài chính đô thị được cải thiện phải tích hợp với các yếu tố khác của quản trị điều hành và quản lý đô thị thích ứng. Bao gồm quy hoạch đô thị và khuôn khổ quản lý đô thị, nhằm hỗ trợ tất cả các bên liên quan hiện thực hóa tầm nhìn chung về đô thị. Quy hoạch và thiết kế đô thị, thông qua việc tạo ra giá trị đô thị, có khả năng thúc đẩy môi trường sống đô thị bền vững, bao trùm và hiệu quả", TS Nguyễn Quang nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp