Cần có chế tài đối với tổ chức, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

ĐẦU TƯ CÔNG QUỐC HỘI
18:16 - 01/06/2022
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng đến nay vẫn chậm, tiền “kẹt” chưa thể đưa vào nền kinh tế. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chế tài với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân.

Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV hôm nay (1/6), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu nghịch lý trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Điều này đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

Làm sao để dừng điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"?

Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). Vì thế, không chỉ yêu cầu kiểm điểm với đơn vị không hoàn thành kế hoạch, Thủ tướng đã phải lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ngày 27/5 vừa qua, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với với 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước là Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong đó, 3/5 địa phương (Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng) có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%. Có 4/5 địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA hoặc giải ngân với tỉ lệ rất thấp (tỉnh Quảng Nam đạt 1,9%).

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Một là Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công, khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ. Hai là công tác giải phóng mặt bằng chậm không lường trước những khó khăn. Và thứ ba cũng là vấn đề cốt lõi - lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực. Việc lựa chọn nhà thầu lâu nay rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, thường được “cài cắm” lợi ích, nhưng xử lý rất khó vì thiếu kiên quyết.

Trước thực trạng chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu quen biết, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu để xử lý dứt điểm; đồng thời kiến nghị, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu, rút ngắn thời gian, lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án.

Thực tế, một số dự án thời gian qua thực hiện quy trình đấu thầu gấp đôi thời gian chỉ định thầu. Ví dụ, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thời gian thực hiện quy trình đấu thầu mất 58 ngày, trong khi chỉ định thầu 29 ngày. Lựa chọn nhà thầu xây lắp đấu thầu cần 76 ngày, còn chỉ định thầu là 41 ngày. Thời gian dài cũng khiến dự toán bị lỗi thời và làm tăng chi phí, tính khả thi không cao khi áp dụng vào thực tế. Bài học chính từ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng...

Các địa phương cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng...

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh rất tâm đắc với giải pháp điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương chậm cho ngành địa phương làm tốt. Song, thực hiện không phải dễ vì theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 không thể điều chỉnh vốn ngân sách từ địa phương này cho các địa phương khác. Vì vậy, đại biểu đề xuất Quốc hội cần xem xét, sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2002 của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm; góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông, trọng điểm kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời, cần có đủ chế tài đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập

Cũng đề cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình kiến nghị cần sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Cho biết việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vướng nhiều ở các thủ tục như chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm phân bổ chi tiết các nguồn vốn đầu tư để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục đầu tư các dự án tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý làm chủ đầu tư thực hiện các dự án giao thông theo quy định.

Nhấn mạnh về phát triển hệ thống giao thông, đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, những năm qua, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được quan tâm tuy nhiên trong thực hiện nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ xem xét tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập đối với những dự án đầu tư Nhóm A; thực hiện tốt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tại buổi làm việc với 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định hiện không còn vướng mắc về Luật đầu tư công. Những vấn đề trước đây như giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, phân cấp phân quyền... thì hiện nay giao vốn chỉ một lần, quy trình thủ tục cũng đã rõ hết.

Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân chậm vẫn chủ yếu là yếu tố chủ quan. Vì trong cùng một điều kiện, thể chế như nhau nhưng có địa phương giải ngân tốt, có mô hình và cách làm hay nhưng địa phương khác lại không. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vẫn cần sự chủ động tích cực của các địa phương trong việc bám sát nhiệm vụ và kế hoạch giải ngân vốn.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ ngành khác để có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công khi giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao như trong thời gian vừa qua. Đối với các UBND tỉnh thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần tiếp tục duy trì hoặc thành lập mới Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý “ điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, động lực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.