Cần Thơ đầu tư 180.000 tỷ đồng vào công nghiệp giai đoạn 2021- 2030

CẦN THƠ Công nghiệp
13:23 - 16/03/2023
Chế biến thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn của Cần Thơ.
Chế biến thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn của Cần Thơ.
0:00 / 0:00
0:00
UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt Đề án thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; với tổng vốn đầu tư tối đa lên tới 180.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quyết định do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng ký ban hành ngày 15/3, thành phố xác định công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong 15 năm qua, tỷ trọng của khu vực II (công nghiệp và xây dựng) luôn duy trì ở mức trên 30% trong tổng cơ cấu GRDP.

Trong đó, riêng nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm đến 25,07% tổng cơ cấu GRDP, cao nhất trong nền kinh tế và giữ khoảng cách khá xa so với nhóm ngành ở vị trí thứ hai là ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa (16,42%).

Ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản đóng góp cho 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực của vùng ĐBSCL.

Chất lượng tăng trưởng của khu vực II đạt cao hơn chất lượng tăng trưởng của cả nền kinh tế, với đóng góp của TFP (tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp) lên đến 40,88% giai đoạn 2013 - 2018, trong khi TFP của cả nền kinh tế là 20,06%. Hiện tại, Cần Thơ đang có GRDP khu vực II đứng thứ 2 ĐBSCL (sau Long An).

Tuy nhiên, Cần Thơ cũng nhìn nhận thành phố chưa thực sự trở thành trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của vùng ĐBSCL; tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp thành phố cho vùng chưa cao, công nghiệp hỗ trợ còn chiếm tỷ lệ thấp; tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao còn thấp.

Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp quy mô lớn; thành phố hiện chưa có khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao.

Quy mô doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của thành phố có đến 96% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ là 57%. Ngoài ra, Cần Thơ có số dự án FDI thấp so với các thành phố trực thuộc trung ương.

Khu công nghiệp Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy, Cần Thơ là một trong những khu công nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam.

Khu công nghiệp Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy, Cần Thơ là một trong những khu công nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam.

Xuất phát từ thực trạng trên, Đề án thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030 nhằm đánh giá lại hiện trạng và xác định các vấn đề trọng tâm cho phát triển công nghiệp giai đoạn tới, với vai trò trung tâm động lực phát triển của ĐBSCL. Qua đó, đề xuất danh mục thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chính sách có liên quan.

Kết quả của Đề án sẽ đóng góp vào nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp và các kế hoạch trong phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng ĐBSCL.

Về mục tiêu cụ thể và lộ trình phát triển, Đề án xác định mục tiêu là thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực (chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; sản xuất hóa chất (dược phẩm, phân bón, cao su, nhựa); công nghiệp công nghệ cao (điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...); cơ khí chế tạo, vật liệu mới; năng lượng mới và năng lượng tái tạo và nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 75.000 – 80.000 tỷ đồng.

Cơ cấu vốn đầu tư bao gồm: Vốn ngân sách 13.500 – 17.600 tỷ đồng; vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư 11.250 – 14.400 tỷ đồng; vốn tín dụng, đầu tư 11.250 -16.000 tỷ đồng; vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI) 33.750 – 44.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 90.000 – 100.000 tỷ đồng.

Cơ cấu vốn đầu tư bao gồm: Vốn ngân sách 13.500 – 20.000 tỷ đồng; vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư 16.200 – 20.000 tỷ đồng; vốn tín dụng, đầu tư 13.500 – 20.000 tỷ đồng; vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI) 40.500 – 55.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp