Cảnh giác với kịch bản lạm phát 'không bị kìm cương' năm 2022

VĨ MÔ Việt nAM
21:08 - 21/12/2021
Cảnh giác với kịch bản lạm phát 'không bị kìm cương' năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những mục tiêu quan trọng của gói kích thích kinh tế năm 2022 là kích cầu tiêu dùng. Nhưng nếu kích cầu thành công thì rào cản lớn nhất ngăn lạm phát tăng sẽ bị phá vỡ, đồng nghĩa lạm phát sẽ "không còn bị kìm cương".

Nỗi lo áp lực lạm phát năm 2022

Áp lực lạm phát tăng lên trong năm 2022 là điều đã được dự báo trước. Trao đổi với MEKONG ASEAN, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định có nhiều yếu tố tiềm năng tác động đến áp lực lạm phát trong năm tới như đà lạm phát của thế giới, gói kích thích quy mô lớn trong nước, kịch bản Ngân hàng Nhà nước hạ thêm lãi suất và tiếp tục bơm tiền qua các kênh tín dụng, nguy cơ đồng Việt Nam trượt giá…

Trong đó, theo TS. Vũ Đình Ánh, yếu tố tác động lớn nhất đến lạm phát trong năm 2022 là việc điều hành chính sách của các cơ quan quản lý, đặc biệt là việc triển khai, sử dụng gói kích thích trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

“Năm 2021, áp lực lạm phát cũng rất lớn khi lạm phát toàn cầu tăng vọt, nhưng tại Việt Nam, lạm phát chưa tới 2%. Nguyên nhân cơ bản là sức cầu trong nước quá yếu. Nhưng một trong những mục tiêu quan trọng của gói kích thích kinh tế năm 2022 là kích cầu tiêu dùng. Nếu kích cầu thành công thì rào cản lớn nhất ngăn lạm phát tăng - như trong năm 2021 - sẽ bị phá vỡ, lạm phát sẽ không còn bị kìm cương và có khả năng tăng phi mã”, TS. Vũ Đình Ánh cho biết.

Ảnh tác giả

"Một trong những mục tiêu quan trọng của gói kích thích kinh tế năm 2022 là kích cầu tiêu dùng. Nếu kích cầu thành công thì rào cản lớn nhất ngăn lạm phát tăng sẽ bị phá vỡ, lạm phát sẽ không còn bị kìm cương và có khả năng tăng phi mã".

TS. Vũ Đình Ánh

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không kém là lạm phát tâm lý. Nhất là khi tại thời điểm này, ngày càng nhiều nhận định cho rằng áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn.

“Lạm phát là hiện tượng tương lai nhưng khi số đông cho rằng lạm phát sẽ tăng thì họ tìm mọi cách trốn chạy lạm phát như chối bỏ đồng tiền có khả năng lạm phát cao, tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. Ngay lập tức, trên thị trường tràn ngập tiền mặt trong khi giá tài sản trú ẩn tăng cao", TS. Vũ Đình Ánh lý giải.

"Khi ai cũng chối bỏ đồng tiền thì vòng quay đồng tiền sẽ tăng nhanh, tương tự như hiện tượng “củ khoai tây nóng” không ai muốn cầm lâu cả. Như vậy, lạm phát tự khắc sẽ tăng lên xuất phát từ chính lạm phát tâm lý ban đầu”, ông phân tích thêm.

Trong khi đó, Vũ Đình Ánh, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cũng nhận định trong một cuộc trò chuyện gần đây với MEKONG ASEAN rằng lạm phát năm 2022 có thể đến từ cả yếu tố chi phí đẩy (xuất phát từ lạm phát nhập khẩu, do giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tiếp tục tăng) và yếu tố cầu kéo, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau 2 năm trầm lắng và tác động từ các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Ảnh tác giả

“Chính phủ hiện đang xây dựng các chương trình phục hồi kinh tế xã hội, các gói kích cầu chẳng hạn như gói hỗ trợ lãi suất trong 2 năm với mức hỗ trợ ước tính khoảng 20.000 tỷ/ năm, rồi xem xét tăng nợ công, tăng bội chi ngân sách… Các yếu tố này dự kiến sẽ tác động làm tăng lạm phát trong năm 2022”.

PGS.TS Ngô Trí Long

Trong bối cảnh lạm phát tăng nóng trên toàn cầu buộc hàng loạt ngân hàng Trung ương lớn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho đến ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thay đổi lập trường chính sách tiền tệ, cần thiết phải cảnh giác với nguy cơ lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong năm 2022. Nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát được đánh giá là tương đối lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý III/2021, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 4,17% so với quý II và tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 6,03%.

Để kiểm soát lạm phát, phải tính kỹ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội

Theo TS. Vũ Đình Ánh, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn nhưng lạm phát tăng đến mức độ nào, có vượt tầm kiểm soát hay không thì phụ thuộc vào diễn biến lạm phát thế giới và khả năng kiểm soát của các cơ quan nhà nước trong điều hành chính sách vĩ mô.

Tương tự, GS. Lê Văn Cường (Trường Kinh tế Paris, Pháp) nhận định trong một sự kiện gần đây của Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Nâng cao về Kinh tế và Khoa học dữ liệu CASED rằng mức tăng lạm phát trong năm 2022 phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng giá thế giới và chính sách của Nhà nước.

“Diễn biến của lạm phát tại Việt Nam còn tùy thuộc kịch bản lạm phát thế giới và chính sách của Nhà nước. Nhà nước sử dụng gói kích thích quy mô 6% GDP hay 8% GDP, 10% GDP đều tác động đến lạm phát với những biến số khác nhau”, GS. Lê Văn Cường nói.

Về giá thế giới, cho đến nay, dự báo về diễn biến lạm phát toàn cầu trong năm 2022 vẫn còn nhiều bất định. Chẳng hạn tại Mỹ, trong dự báo mới nhất sau thông điệp siết chính sách tiền tệ của Fed hôm 15/12, tờ The Economist đưa ra hai kịch bản lạm phát hoàn toàn trái ngược dựa trên các giả định kinh tế khác nhau.

Với kịch bản lạc quan, lạm phát sẽ giảm dần và trở lại mức xấp xỉ 2% vào cuối năm 2022. Với kịch bản tệ hơn, lạm phát hàng năm có thể đạt đỉnh gần 8% vào tháng 2/2022 và tiếp tục ở mức cao trong suốt năm sau.

2 kịch bản lạm phát tại Mỹ năm 2022 do The Economist công bố hôm 18/12 (Nguồn: The Economist)

2 kịch bản lạm phát tại Mỹ năm 2022 do The Economist công bố hôm 18/12 (Nguồn: The Economist)

Ở trong nước, đa số dự báo cho rằng lạm phát ở mức khoảng 3,5-4,0% trong năm 2022.

Nhìn về quá khứ, gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 có thể là một bài học cho việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 cũng như kiểm soát lạm phát. Thời điểm 2009, gói hỗ trợ lãi suất trị giá xấp xỉ 1 tỷ USD ước tính làm tăng trưởng GDP nhích thêm khoảng 1% nhưng bù lại, cái giá phải trả là lạm phát cả năm 2011 vượt 18%, nợ xấu chồng chất trong hệ thống ngân hàng đến nay vẫn chưa thể xử lý hết. Tấm gương 3 ngân hàng 0 đồng và hàng loạt ngân hàng tái cơ cấu bắt buộc vẫn còn trước mắt. Thị trường chứng khoán thời điểm đó lao dốc không phanh.

Rút kinh nghiệm từ bài học nhãn tiền năm 2009, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội lần này ngoài quy mô đủ lớn chắc chắn phải tính đến điện hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, kỳ hạn hỗ trợ vừa đủ, nguồn tiền huy động khả thi và công tác triển khai hiệu quả, đưa trực tiếp tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Có như vậy, tiền rẻ mới không tràn sang các kênh vàng, bất động sản, chứng khoán, thậm chí tiền ảo… gây rủi ro cho nền kinh tế nói chung và áp lực lạm phát nói riêng.

VCBS dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 ở mức 4,0-4,5% (Nguồn: VCBS)

VCBS dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 ở mức 4,0-4,5% (Nguồn: VCBS)

Trong một góc nhìn mới về lạm phát rất đáng chú ý, tại Diễn Đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hồi đầu tháng 12, TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất Quốc Hội xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm.

Theo TS. Trương Văn Phước, không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành để lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu 4,0% như hiện nay. Có thể chấp nhận lạm phát năm cao năm thấp, miễn là lạm phát bình quân trong khoảng 3-5 năm dưới mức 4% là được.

Tin liên quan

Đọc tiếp