Cập nhật diễn biến lạm phát của Hoa Kỳ và tác động đến Việt Nam

LẠM PHÁT TỶ GIÁ
09:19 - 18/03/2024
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù đã trải qua 2 năm thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn “cứng đầu”. Điều này khiến cho chỉ số DXY Index – chỉ số giá đô la tăng, kéo theo tỷ giá USD/VND cũng tăng.

Trước cuộc họp FOMC tháng 1 diễn ra ngày 30-31/1/2024, thị trường dự báo Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ tháng 3 hoặc tháng 4. Tuy nhiên thực tế tại cuộc họp này, Fed đã đưa ra tín hiệu "diều hâu" hơn, khiến thị trường và cả các quan chức Fed bắt đầu lùi dự báo về thời điểm diễn ra lần hạ lãi suất đầu tiên từ tháng 3,4 xuống tháng 6/2024.

Trong báo cáo thị trường chứng khoán tuần 18/3-22/3, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, đà giảm lạm phát của Hoa Kỳ bắt đầu có dấu hiệu chững lại từ giữa năm 2024, loanh quanh ở mức trên 3%. Ngày 13/3/2024, CPI – chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2024 của Hoa Kỳ được công bố, ở mức tăng 3,2% so với cùng kỳ, vượt dự báo là 3,1%, cũng như tăng trở lại so với số 3,1% tháng trước. CPI lõi tăng 3,8%, cao hơn dự báo 3,7%, vẫn đang trên đà giảm nhưng còn cách xa mục tiêu 2%.

Xét theo tăng trưởng tháng, tốc độ tăng của CPI có dấu hiệu tăng tốc kể từ tháng 11/2023 (tăng 0,2% so với tháng trước) và tháng 2/2024 tăng 0,4% so với tháng trước. CPI lõi cũng có diễn biến tương tự và trong tháng 2/2024 cũng tăng 0,4% so với tháng trước.

Giá thuê nhà và giá xăng dầu (chiếm hơn 60% rổ CPI) đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của chỉ số. Đối với giá xăng dầu, sự bất định trong xung đột địa chính trị là rủi ro làm tăng giá. Giá thuê nhà chưa thể hạ nhiệt nhanh khi giá nhà tại Hoa Kỳ vẫn đang ở mức cao.

“Như vậy có thể thấy rằng, mức tăng của lạm phát vẫn đang vượt dự báo của thị trường”, BSC nhận định.

Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ vẫn trong ngưỡng hợp lý (3-5%) và tương đương giai đoạn trước dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ vẫn trong ngưỡng hợp lý (3-5%) và tương đương giai đoạn trước dịch.

Fed có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao

Theo BSC, mặc dù đã trải qua 2 năm thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn đang có diễn biến “cứng đầu” và phần nào nằm ngoài dự đoán của Fed, khiến cơ quan này phải đưa ra quan điểm từ thận trọng thành “diều hâu” hơn trong cuộc họp tháng 1/2024. Đồng thời, nhìn vào thị trường lao động, nền kinh tế vẫn đang mở rộng, rủi ro về một cuộc "hạ cánh cứng" đã không còn được nhắc đến.

Theo thống kê dự báo của các tổ chức tài chính thế giới do Bloomberg tổng hợp, xác suất xảy ra một cuộc suy thoái trong năm 2024 đã giảm từ 60% xuống 40% (tính đến ngày 23/2/2024). Đây là cơ sở để Fed có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao.

BSC cho rằng, động thái "diều hâu" của Fed sau cuộc họp cuối tháng 1/2024 và diễn biến lạm phát không tích cực tại Hoa Kỳ đã khiến cho chỉ số DXY Index – chỉ số giá đô la tăng, kéo theo tỷ giá USD/VND cũng tăng. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND tính đến ngày 15/3/2024 đã đạt 25.560, tăng 2,49% so với ngày 31/1/2024 (ngày Fed họp).

Để điều hành tỷ giá, SBV đã khởi động lại kênh hút tiền qua tín phiếu trên thị trường mở (OMOs) kể từ ngày 11/3/2024. Tính đến hiện tại, SBV đã hút ròng khoảng 75.000 tỷ đồng. Tất cả tín phiếu đều đáo hạn sau 28 ngày. Lãi suất liên ngân hàng bình quân qua đêm đã có phản ứng tăng trở lại sau động thái của SBV.

Diễn biến tỷ giá.
Diễn biến tỷ giá.

Tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024

BSC nhận định, tỷ giá tăng nhìn chung sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, gây áp lực lạm phát chi phí đẩy. Đồng thời cũng ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Thực tế, trong tuần trước, khối ngoại đã bán ròng khoảng 2.600 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, tỷ giá tăng có lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vì khi bán họ nhận về về USD, khi quy đổi sang tiền đồng sẽ thu được nhiều hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp bất lợi vì họ phải đổi tiền đồng ra USD để trả cho đối tác. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng là gánh nặng đối với các doanh nghiệp vay nợ bằng USD.

“Động thái phát hành tín phiếu của SBV có lẽ sẽ chỉ có tác dụng làm dịu đà tăng nóng của tỷ giá, còn tỷ giá khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi những chỉ số lạm phát Hoa Kỳ vẫn ủng hộ cho chính sách tiền tệ “diều hâu” của Fed kéo dài. Tỷ giá có thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt khi có những bằng chứng rõ ràng và vững chắc hơn về đà giảm bền vững của lạm phát về mức mục tiêu 2% và thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất”, BSC nhận định.

Đơn vị phân tích dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024 và tỷ giá trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 24.045 - 24.319 so với mức 23.839 của năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle. Ảnh: Bosch Vietnam

Chân dung tân Chủ tịch EuroCham

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố Hội đồng quản trị năm 2024 và bổ nhiệm ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, làm tân chủ tịch.