Chỉ số phục hồi Covid-19 ở châu Á tăng trong nỗi lo Omicron

omicron CHÂU Á
17:45 - 07/12/2021
0:00 / 0:00
0:00
Hầu hết các nền kinh tế châu Á đã tăng chỉ số phục hồi Covid -19 nhờ số lượng ca mắc giảm, tuy nhiên sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng này bị nghi ngờ.

Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei đánh giá quốc gia và khu vực về quản lý các ca mắc Covid-19, phân bổ vaccine và tính di động xã hội. Nếu được xếp hạng càng cao thì nơi đó càng gần với khả năng phục hồi, ít ca mắc Covid-19 hơn, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và các biện pháp ngăn cách xã hội ít nghiêm ngặt hơn.

Việt Nam tụt 23 bậc trong bảng xếp hạng và xếp vị trí thứ 4 từ dưới lên do ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày đạt mức cao kỷ lục trong tuần trước. Mặc dù không có ca mắc nào liên quan đến biến chủng Omicron, Việt Nam đã đình chỉ các chuyến bay từ 7 quốc gia châu Phi và ngừng cấp thị thực cho du khách từ các quốc gia đó.

Trong bảng xếp hạng này, Trung Quốc dẫn đầu khu vực châu Á ở vị trí thứ 6 vì đã kiên trì theo đuổi chiến lược “Zero Covid”. Nhật Bản xếp thứ 7 đã cố gắng duy trì vị trí của mình trong top 10 trong tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã phát hiện ít nhất hai trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở du khách nhập cảnh. Nước này đã nhanh chóng thắt chặt các hạn chế biên giới một lần nữa.

Ấn Độ đã tăng vượt bậc về Chỉ số phục hồi Covid-19 khi các ca mắc giảm, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp làm dấy lên lo ngại có thể lây lan Omicron. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã tăng vượt bậc về Chỉ số phục hồi Covid-19 khi các ca mắc giảm, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp làm dấy lên lo ngại có thể lây lan Omicron. Ảnh: Reuters

Ấn Độ, quốc gia đã ảnh hưởng nặng nề bởi biến chủng Delta, cũng đã phát hiện các ca mắc Covid-19 do chủng Omicron. Mặc dù đã tăng 11 bậc trong bảng xếp hạng mới nhất, xếp thứ 11 về tổng thể, nhưng đến nay tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại quốc gia này mới đạt 35% dân số.

Hàn Quốc bị tụt hạng mạnh, trượt 19 bậc xuống vị trí thứ 37. Đất nước này đang phải vật lộn với những ca bệnh và ca tử vong kỷ lục sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, theo đuổi chính sách "sống chung với Covid-19" vào tháng trước. Tính đến ngày 6/12, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 24 trường hợp mắc biến chủng Omicron.

Ngược lại, Philippines tăng 46 bậc lên vị trí thứ 57. Để đạt được con số này, Philippines đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước. Mặc dù số ca mắc mới của nước này đã giảm so với mức đỉnh dịch trong tháng 9, tỷ lệ tử vong tại đây vẫn ở mức hơn 9% - cao thứ hai trên thế giới, theo Our World in Data.

Đầu năm nay, các ca lây nhiễm hàng ngày ở khu vực châu Á chiếm gần 2/3 tổng số ca lây nhiễm trên thế giới. Nhưng kể từ giữa tháng 10, số lượng bệnh nhân Covid-19 trong khu vực đã giảm dần. Tính đến cuối tháng 11, số ca mắc tại khu vực châu Á chiếm khoảng 15% tổng dân số thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, rất có khả năng về một làn sóng dịch bệnh mới trong dịp lễ và kỳ nghỉ mùa đông sắp tới.

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhấn mạnh rằng: “Chừng nào dịch bệnh còn tiếp tục lây lan, các chủng virus sẽ tiếp tục đột biến. Biến chủng mới nhất là Omicron chính là sự nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải cảnh giác”.

Ông cũng đưa ra cảnh báo việc kiểm soát biên giới chỉ là phương án câu giờ và khuyến cáo các nước trong khu vực nên tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe và tiêm chủng đầy đủ cho người dân, tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách để đề phòng đợt sóng mới do biến chủng Omicron.

Từ khi được ghi nhận vào tháng 11 đến nay, biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã lây lan ra 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ và mới nhất là Sri Lanka, Malaysia và Thái Lan. Chủng đột biến Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể kháng vaccine và kháng thể tự nhiên, mặc dù vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được.

Tin liên quan

Đọc tiếp