Biến chủng Omicron 'có thể giúp thế giới kết thúc đại dịch'

omicron THẾ GIỚI
16:06 - 06/12/2021
Omicron được cảnh báo có thể gây ra hậu quả lớn do tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, nếu độc lực của nó nhẹ hơn Delta, kịch bản dịch bệnh sẽ đảo chiều.
Omicron được cảnh báo có thể gây ra hậu quả lớn do tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, nếu độc lực của nó nhẹ hơn Delta, kịch bản dịch bệnh sẽ đảo chiều.
0:00 / 0:00
0:00
Omicron, biến chủng mới được phát hiện tại Nam Phi đang làm cả thế giới lo ngại có thể gây ra hậu quả khủng khiếp do tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, nếu độc lực của biến chủng này nhẹ hơn Delta thì kịch bản dịch bệnh của thế giới sẽ đảo chiều.

Các chuyên gia y tế và nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu mức độ nguy hiểm của Omicron thông qua ba yếu tố: Khả năng lây truyền, khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó và độc lực - mức độ nghiêm trọng khi nhiễm.

Nếu biến chủng Omicron có khả năng lây truyền giữa các vật chủ một cách dễ dàng, vượt qua các kháng thể trung hòa trong cơ thể con người và gây ra các triệu chứng nguy hiểm bất thường, thì kịch bản đại dịch sắp tới của thế giới sẽ trở nên vô cùng trầm trọng. Tuy nhiên, ở kịch bản thứ hai, nếu Omicron trở thành biến chủng siêu lây nhiễm nhưng chỉ gây các triệu chứng nhẹ thì đây sẽ là một viễn cảnh tốt đẹp hơn có thể giúp thế giới chấm dứt Covid-19.

Tại thời điểm này, thế giới buộc phải chấp nhận sống chung với Covid-19 trong nhiều năm tới. Ở những quốc gia đã triển khai chương trình tiêm chủng trong khoảng một năm, tỷ lệ phủ vaccine vẫn chưa đạt 100%. Ngay cả khi người dân toàn cầu đều đạt miễn dịch cộng đồng, nCoV vẫn có thể lây lan sang động vật, sau đó một lần nữa truyền sang loài người dưới một hình thức khác.

Tara Kirk Sell, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc loại bỏ hoàn toàn Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới là mục tiêu phi thực tế”. Do đó việc sạch bóng Covid-19 là không khả thi nhưng có thể nó sẽ trở thành một dạng bệnh mùa tương tự như hàng nghìn căn bệnh khác đang tồn tại.

Thế giới buộc phải chấp nhận sống chung với Covid-19 trong nhiều năm tới. Ảnh: AP

Thế giới buộc phải chấp nhận sống chung với Covid-19 trong nhiều năm tới. Ảnh: AP

Theo các bác sĩ từ Nam Phi và Israel, cho đến nay, các ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron dường như có triệu chứng nhẹ hơn Delta. Tính đến ngày 5/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào trên toàn cầu có liên quan đến Omicron.

Hiện thế giới ghi nhận dưới 250 ca mắc, phần lớn đến từ Nam Phi, nơi dân số trẻ, vốn ít chuyển nặng nếu mắc Covid-19 dù là các biến chủng trước đây. Đây đang là cơ sở để củng cố niềm tin đại dịch có thể sẽ diễn ra theo kịch bản tích cực với thế giới. Theo các nhà khoa học, tình hình dịch bệnh sẽ khả quan nếu Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn Delta, và mọi thứ sẽ "tuyệt vời hơn nhiều" nếu nó lây truyền nhanh hơn Delta.

Theo Tiến sĩ Samuel Scarpino, Viện Phòng chống Đại dịch của Tổ chức Rockefeller, khi có hai biến chủng đang cùng lưu hành, loại nào có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn sẽ có xu hướng thống trị. Biến chủng đó chiếm ưu thế bởi nó sao chép nhanh hơn trong vật chủ, hoặc vì khả năng trốn tránh miễn dịch.

Khả năng tránh miễn dịch của một biến chủng nghe có vẻ đáng sợ. Khi toàn thế giới đã mất một năm để nỗ lực triển khai tiêm vaccine, không ai muốn được thông báo rằng họ dễ bị nhiễm Covid-19 thêm một lần nữa. Theo Elizabeth Halloran, chuyên gia thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết: "Nếu Omicron có thể kháng vaccine, nhưng không gây triệu chứng mạn tính, không khiến người bệnh nhập viện hoặc phải thở máy, thì đây là tin tốt. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đi đúng hướng”.

Người dân xếp hàng chuẩn bị tiêm chủng Covid-19 tại East Rand, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng chuẩn bị tiêm chủng Covid-19 tại East Rand, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, với kịch bản này, người nhiễm Omicron có nguy cơ tái nhiễm sau đó. Theo báo cáo của Katherine J. Wu, phóng viên y tế tờ Atlantic, F0 có triệu chứng nhẹ sẽ không phát triển nhiều kháng thể như bệnh nhân biểu hiện nghiêm trọng.

Ali Ellebedy, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Washington ở St. Louis, đưa ra quan điểm ngược lại. “Một khi bạn bị nhiễm Covid-19, hệ thống miễn dịch của bạn đã hoạt động rồi”, ông nói. Ngay cả khi không có triệu chứng, cơ thể người bệnh vẫn đang sản sinh các kháng thể và tạo các tế bào T (tế bào miễn dịch) để chống lại virus xâm nhập vào lần tiếp theo. Khi virus kích thích phản ứng miễn dịch tương đối nhẹ ở một lượng người nhất định, nó sẽ đột biến thành phiên bản tiếp theo, trở thành chủng trội, với biểu hiện nhẹ hơn nữa.

Về biện pháp ứng phó, nếu Omicron dễ lây truyền nhưng độc tính kém hơn Delta, một số quốc gia sẽ phải tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và nghiêm ngặt trong quy định đeo khẩu trang. Đây không phải tin tiêu cực, mà là một phần trong tiến trình thích ứng và sống chung với Covid-19.

Trong trường hợp biến chủng mới lây truyền chậm, không vượt qua được các hàng rào miễn dịch, thế giới quay trở lại trạng thái hai tuần trước đây, tiếp tục đối phó với Delta và chờ đợi đại dịch kết thúc.

“Về mặt nào đó, Delta là biến chủng lý tưởng”, Tiến sĩ Scarpino nói. Nó có đủ khả năng lây truyền để thống trị các biến thể nguy hiểm hơn. Song nó vẫn bị kiểm soát do hệ thống tiêm chủng của loài người.

Tin liên quan

Đọc tiếp