Biến chủng mới có nguy cơ gây chia rẽ toàn cầu

COVID-19 THẾ GIỚI
11:53 - 30/11/2021
Hành khách xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 27/11/2021. Ảnh: AFP
Hành khách xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 27/11/2021. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi biến chủng Omicron được phát hiện, đồng loạt các nước trên thế giới đều có động thái siết chặt biên giới và đóng cửa hàng không với khu vực phía nam châu Phi.

Ngay sau khi WHO đưa ra cảnh báo Omicron là "biến chủng đáng lo ngại” (VOC) cùng cấp độ với biến chủng Delta do tốc độ lây lan rất nhanh, nhiều nước lập tức đưa ra các biện pháp thắt chặt biên giới để đề phòng.

Cuộc chạy đua phong tỏa

Israel là nước đầu tiên trên thế giới ban bố lệnh đóng hoàn toàn biên giới với bên ngoài để đề phòng dịch bệnh do biến chủng Omicron xâm nhập. Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo, lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài sẽ có hiệu lực từ đêm 28/11 và kéo dài trong 14 ngày.

Israel là nước đầu tiên trên thế giới ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn biên giới. Ảnh: Dw.com

Israel là nước đầu tiên trên thế giới ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn biên giới. Ảnh: Dw.com

Bên cạnh đó, nước này còn huy động cả cơ quan tình báo Shin Bet sử dụng công nghệ theo dõi điện thoại để phát hiện người nhiễm biến chủng mới, nhằm ngăn virus lây lan. Các công dân Israel trở về nước sẽ vẫn được phép nhập cảnh những phải cách ly nghiêm ngặt. Các biện pháp thắt chặt biên giới của nhà nước Do Thái được đưa ra sau khi nước này phát hiện một ca nhiễm biến chủng Omicron và 7 ca nghi nhiễm khác.

Nhật Bản cũng mau chóng đưa ra các biện pháp chống dịch cứng rắn. Thủ tướng Fumio Kishida hôm 29/11 đã tuyên bố rằng, Nhật Bản sẽ khôi phục các lệnh đóng cửa biên giới và cấm nhập nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài kể từ ngày 30/11. Trong suốt quãng thời gian chống dịch vừa qua, biên giới của Nhật Bản gần như hoàn toàn bị đóng cửa, không tiếp nhận du khách nhập cảnh vào đất nước này.

Chính phủ Philippines cũng thông báo đình chỉ kế hoạch cho du khách đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 nhập cảnh mà không cần cách ly từ ngày 1-15/12; đồng thời mạnh tay hơn nữa khi ban bố lệnh kiểm soát biên giới và ngắt kết nối các đường bay với một số nước châu Phi và châu Âu. Nước này cũng xem xét ngừng tạm thời “Đường bay vaccine” (VTL) với Singapore do lo ngại biến chủng mới.

Cũng như Philippines, Ấn Độ - nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 - cũng tái áp dụng các lệnh phòng chống dịch bệnh (bao gồm cả cách ly tại nhà 7 ngày) đối với du khách đến từ 12 nước “nguy cơ cao”, trong đó có Singapore. Điều này đã khiến thỏa thuận “Đường bay vaccine” (cho phép công dân hai nước nhập cảnh mà không cần cách ly) với Singapore bị bỏ ngỏ.

Tại khu vực Trung Đông, Oman, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait đều đã đình chỉ nhập cảnh người nước ngoài đến từ 7 nước khu vực Nam Phi.

Còn Australia đã tuyên bố hoãn đợt mở cửa đón sinh viên và lao động quốc tế (dự kiến khởi động ngày 1/12) ít nhất hai tuần, đồng thời ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước lân cận.

Ngoài ra, các nước châu Âu và Mỹ cũng đặc biệt báo động và thắt chặt cảnh giác với biến chủng từ Nam Phi. Từ ngày 29/11, Mỹ và EU bắt đầu áp dụng lệnh cấm mọi chuyến bay từ Nam Phi và các nước lân cận để đề phòng Omicron thâm nhập. Các nước khác như Anh, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada cũng ban hành quy định cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước lân cận.

Sự mong manh giữa chống dịch và chia rẽ đoàn kết

Dịch bệnh Covid-19 đã thống trị thế giới được 2 năm và trở thành nỗi ám ảnh của tất cả mọi người. Trong suốt thời gian qua, các biến chủng mới liên tiếp xuất hiện, làm gia tăng các ca mắc và tử vong. Các nước trên thế giới đã nỗ lực chạy đua với Covid-19 khi tăng cường các chiến dịch tiêm chủng, hỗ trợ vật tư y tế và vaccine cho nhau và tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, các biện pháp phòng chống, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh được đặt lên cao nhất để quyết định sự thành bại. Bởi khi thành trì chống dịch bị một nhân tố tác động, tất cả thành quả của một đất nước có thể bị sụp đổ. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc khi các nước áp lệnh hạn chế đi lại với khu vực nam châu Phi để ngăn Omicron lây lan.

"Tôi quan ngại sâu sắc vì các quốc gia nam châu Phi bị cô lập do các hạn chế đi lại mới nhằm ngăn Covid-19". Ảnh: Reuters

"Tôi quan ngại sâu sắc vì các quốc gia nam châu Phi bị cô lập do các hạn chế đi lại mới nhằm ngăn Covid-19". Ảnh: Reuters

"Chúng ta không thể đổ lỗi cho người châu Phi vì tỷ lệ tiêm chủng quá thấp tại châu lục này, cũng không thể trừng phạt họ vì đã xác định và chia sẻ thông tin khoa học, y tế quan trọng với thế giới", ông Guterres cho biết trong thông cáo ngày 29/11. "Tôi quan ngại sâu sắc vì các quốc gia nam châu Phi bị cô lập do các hạn chế đi lại mới nhằm ngăn Covid-19".

Nhiều quốc gia trên thế giới áp lệnh hạn chế đi lại với người từ khu vực nam châu Phi để ngăn Omicron, dù biến chủng này đã xuất hiện ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Ông Guterres kêu gọi chính phủ các nước xem xét những biện pháp thay thế, bao gồm xét nghiệm nhiều lần nhằm "tránh nguy cơ lây lan và cho phép hoạt động đi lại và kinh tế diễn ra".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định nguy cơ từ biến chủng Omicron "rất cao". Tuy nhiên, giám đốc WHO phụ trách châu Phi Matshidiso Moeti phản đối động thái cấm người tới từ khu vực này và chỉ trích quyết định trên "tấn công vào tình đoàn kết toàn cầu".

Cho đến nay, WHO và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cấp cao vẫn chưa biết liệu Omicron có tái nhiễm với những người bị mắc Covid-19 trước đây và liệu vaccine Covid-19 truyền thống có tác dụng chống lại nó hay không. Cũng không có sự chắc chắn nào về việc biến chủng mới này sẽ gây ra tình trạng bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, một bác sĩ hàng đầu tại Hiệp hội Y tế Nam Phi chia sẻ với báo giới rằng, bệnh nhân mắc biến chủng Omicron có các triệu chứng bất thường nhưng ở thể nhẹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp