Chiến sự Ukraine bước sang ngày thứ 11: Moscow yêu cầu Kiev ngừng chiến

chiến sự Nga – Ukraine
11:48 - 07/03/2022
Một nhà máy và một cửa hàng đang bốc cháy sau khi bị bắn phá ở Irpin, ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 6/3. Ảnh: AP
Một nhà máy và một cửa hàng đang bốc cháy sau khi bị bắn phá ở Irpin, ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 6/3. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Putin nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 6/3, trong khi hoạt động sơ tán dân cư tại thành phố cảng Mariupol liên tục thất bại khi hai bên đổ lỗi cho nhau về vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tạo hành lang nhân đạo. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch, Moscow sẽ không chấm dứt cho đến khi chính quyền Kiev phải ngừng chiến đấu và các yêu cầu về bảo đảm an ninh của Nga được đáp ứng.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Putin cho biết sẵn sàng đối thoại để chấm dứt giao tranh nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm rút khỏi các cuộc đàm phán đều sẽ thất bại, theo Điện Kremlin. "Ukraine đang tìm cách kéo dài đàm phán để tranh thủ tập hợp nhân lực và vật lực. Đó là nỗ lực vô vọng", ông Putin nói khi điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Một người đàn ông đứng bên cạnh ngôi nhà bị phá hủy trong trận pháo kích ở làng Horenka, giáp thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP

Một người đàn ông đứng bên cạnh ngôi nhà bị phá hủy trong trận pháo kích ở làng Horenka, giáp thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP

Lãnh đạo Nga đổ lỗi cho phía Ukraine khiến hành lang nhân đạo sơ tán dân thường ở thành phố Mariupol không thể thông suốt sau 2 ngày nhất trí ngừng bắn giữa 2 bên. Ông Putin cho rằng chính quyền địa phương đã ngăn dân thường rời khỏi thành phố này và lợi dụng sự ngừng bắn để củng cố lực lượng. Trong khi đó, phía chính quyền Mariupol nói Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết quân đội Nga và lực lượng ly khai pháo kích những khu vực trong hành lang an toàn, trong khi quan chức Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền đông Ukraine cáo buộc quân đội chính phủ không tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Hoạt động di tản bị gián đoạn

Hoạt động sơ tán cư dân khỏi thành phố miền nam Mariupol hiện vẫn chưa thể được thực hiện khi hai bên tham chiến cáo buộc nhau. Khoảng 200.000 trong số 430.000 cư dân ở thành phố cảng này được kỳ vọng sẽ có thể rời đi trong thời gian ngừng bắn kéo dài 9 giờ vào ngày 6/3.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân sự Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn khiến hoạt động sơ tán bị gián đoạn, chỉ có khoảng vài trăm người có thể di tản.

Những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine đang xếp hàng tại khu vực biên giới với Ba Lan, ngày 6/3. Ảnh: AP
Những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine đang xếp hàng tại khu vực biên giới với Ba Lan, ngày 6/3. Ảnh: AP

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết, các vùng ngoại ô của thủ đô Kiev, Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam và Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine đã phải đối mặt với các đợt pháo kích dồn dập vào cuối ngày 6/3. Theo các quan chức địa phương, pháo hạng nặng đánh vào các khu dân cư ở Kharkov và làm hư hại một tháp truyền hình.

Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 364 dân thường Ukraine đã thiệt mạng và 759 người bị thương từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu hôm 24/2, nhưng cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn. Hơn 1,5 triệu người đã phải di tản khỏi Ukraine trong những ngày qua. Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã gọi cuộc chiến tại Ukraine gây ra “cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai”.

Trong diễn biến mới nhất, Ukraine tiết lộ các nước phương Tây đã hậu thuẫn rộng rãi cho Ukraine, bao gồm cung cấp viện trợ và các chuyến hàng vũ khí, đồng thời giáng đòn trừng phạt lớn vào Nga. Tuy nhiên, không có quân đội NATO nào được gửi đến Ukraine.

Ukraine thậm chí còn có kế hoạch thành lập một lực lượng quân đoàn quốc tế, gồm các chiến binh tình nguyện từ hàng chục quốc gia. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã có hơn 20.000 người tình nguyện tham gia lực lượng này, nhưng con số này chưa thể kiểm chứng trên thực tế.

Động thái mới từ phía Nga

Trong khi đó, Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể ở miền nam Ukraine khi nước này tìm cách chặn đường vào Biển Azov. Việc chiếm được cảng Mariupol có thể cho phép Moscow thiết lập một hành lang trên bộ tới Crimea, mà Nga đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố hôm 6/3 rằng Moscow đã dùng tên lửa tầm xa tấn công và vô hiệu hóa căn cứ không quân Starokostiantyniv của Ukraine. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của Nga đã bắn rơi 3 máy bay chiến đấu Su-27 và 3 máy bay không người lái của Ukraine.

Ngoài ra, Moscow khẳng định rằng họ chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine trong suốt chiến dịch đang diễn ra nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine.

Phản ứng của các công ty công nghệ

Trong cùng ngày 6/3, có thêm nhiều các hãng công nghệ và tài chính trên thế giới quay lưng với Nga. American Express thông báo họ sẽ đình chỉ hoạt động ở Nga, cũng như ở Belarus. Ngoài ra, hai trong số những công ty kế toán hàng đầu thế giới là KPMG và PricewaterhouseCoopers, cho biết họ sẽ chấm dứt mối quan hệ với các công ty thành viên có trụ sở tại Nga.

TikTok cũng thông báo người dùng Nga sẽ không thể đăng video mới hoặc xem video được chia sẻ từ những nơi khác trên thế giới. Công ty đổ lỗi cho luật "tin tức giả" mới của Moscow, khiến việc đăng tải các video về chiến dịch quân sự bị coi là bất hợp pháp. Nga đã áp luật phạt tù đến 15 năm với người tung "tin giả" về tình hình Ukraine.

Nền tảng đăng video Tiktok, công ty con của ByteDance (Trung Quốc) thông báo ngừng hoạt động tại Nga. Ảnh: AP

Nền tảng đăng video Tiktok, công ty con của ByteDance (Trung Quốc) thông báo ngừng hoạt động tại Nga. Ảnh: AP

Netflix cũng cắt dịch vụ của mình đến Nga nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Facebook và Twitter đã bị chặn ở Nga, cùng với quyền truy cập vào các trang web của một số hãng truyền thông quốc tế lớn cũng chịu hình thức tương tự.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, Quốc hội Mỹ đang tìm cách để cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của nước này vào Mỹ. Bà Pelosi cho biết dự luật đang được xem xét sẽ hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, đồng thời bắt đầu quá trình từ chối Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bình luận về tình hình kinh tế Nga hiện nay, hãng tin AP nhận xét: "Nga ngày càng trở nên bị cô lập kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nổ ra. Quốc gia này đang khép mình với các nguồn thông tin bên ngoài khi các lệnh trừng phạt ăn sâu vào nền kinh tế của nước này. Đồng rúp đã giảm giá trị và hàng chục công ty đa quốc gia đã chấm dứt hoặc thu hẹp đáng kể hoạt động kinh doanh của họ tại nước này".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.