Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

Nghị quyết Liên Hợp Quốc
13:00 - 03/03/2022
Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngày 3/3. Ảnh: Reuters
Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngày 3/3. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên họp khẩn ngày 2/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức bỏ phiếu và thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngừng giao tranh và rút các lực lượng quân sự khỏi Ukraine. 

Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp khẩn tại New York, Mỹ từ năm 1982. Nghị quyết của Đại hội đồng lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine được thông qua với 141 trên tổng số 193 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 quốc gia bỏ phiếu chống. Các phiếu chống đến từ Nga, Belarus, Syria, Triều Tiên, Eritrea.

Trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng có Việt Nam, Ấn Độ, Nam Phi, Iraq, Iran, Kazakhstan, Cuba và Trung Quốc, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết không chỉ lên án chiến dịch quân sự tại Ukraine mà còn "yêu cầu Nga lập tức rút tất cả lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine, trong đường biên giới được quốc tế công nhận, toàn diện và vô điều kiện".

Nội dung nghị quyết cho rằng các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine có quy mô mà cộng đồng quốc tế chưa từng thấy ở châu Âu trong nhiều thập kỷ và kêu gọi một giải pháp hòa bình tức thời cho cuộc xung đột. Nghị quyết cũng tái khẳng định cam kết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong đường biên giới được quốc tế công nhận.

Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi Nga hủy bỏ quyết định công nhận hai nước Cộng hòa Nhân dân ly khai Lugansk (LPR) và Donetsk (DPR) là các quốc gia có chủ quyền.

Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có giá trị ràng buộc đối với các thành viên như Hội đồng Bảo an, nhưng chúng có sức nặng chính trị nhất định. Giới phân tích nhận định, kết quả cuộc bỏ phiếu có thể coi là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Ukraine và gia tăng sự cô lập quốc tế nhằm vào Moscow.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại phiên họp khẩn. Ảnh: Reuters

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại phiên họp khẩn. Ảnh: Reuters

Tại phiên họp khẩn, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cáo buộc chiến dịch quân sự của Nga đang gây thiệt hại đối với nhiều cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có hệ thống cấp nước và khí đốt cho hàng triệu người Ukraine.

Đáp lại, Đại sứ Vassily Nebenzia, trưởng phái đoàn thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, phủ nhận việc chiến dịch của Nga đang nhắm vào dân thường và cáo buộc các chính phủ phương Tây gây sức ép để các thành viên thông qua nghị quyết. Ông cảnh báo việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết, có thể khiến tình hình Ukraine leo thang nghiêm trọng hơn.

Ông Nebenzia khẳng định hành động của Nga là một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường ở các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng (mà Moscow đã công nhận ở miền đông Ukraine). Đồng thời, đại diện của Nga cáo buộc Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn và triển khai vũ khí hạng nặng trong các khu vực dân sự.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya nhận xét nghị quyết là "một trong những bức tường ngăn chặn" cuộc tấn công của Nga.

Bình luận về kết quả bỏ phiếu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Thông điệp của Đại hội đồng đã rõ: Nga cần chấm dứt những hành động thù địch ở Ukraine ngay lập tức. Ngừng bắn. Mở cửa cho đối thoại và các hoạt động ngoại giao ngay lúc này. Ukraine phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Nói rõ hơn về việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng, Đặc phái viên Trung Quốc, Trương Quân, cho biết nghị quyết đã không có “sự tham vấn đầy đủ với toàn bộ thành viên” của đại hội đồng.

"Nghị quyết không xem xét đầy đủ về lịch sử và tính chất phức tạp của cuộc khủng hoảng này. Ngoài ra, nghị quyết cũng không nêu bật tầm quan trọng của nguyên tắc an ninh không thể chia cắt hoặc sự cấp thiết của việc thúc đẩy hòa giải chính trị và đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao. Điều này không phù hợp với các lập trường nhất quán của Trung Quốc", ông Trương nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.