Đàm phán Nga - Ukraine lần hai vẫn chưa chốt được địa điểm tổ chức

đàm phán Nga – Ukraine
16:12 - 03/03/2022
Phái đoàn Nga (trái) và Ukraine đàm phán tại Belarus hôm 28/2. Ảnh: TASS
Phái đoàn Nga (trái) và Ukraine đàm phán tại Belarus hôm 28/2. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Phái đoàn Nga xác nhận đã tới khu vực Belovezhskaya Pushcha, biên giới Belarus-Ba Lan, để tham gia vòng đàm phán thứ hai với Ukraine. Tuy nhiên, đại diện phía Ukraine hôm nay tuyên bố địa điểm đàm phán có thể là một nơi khác. 

Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Medinsky cho biết phái đoàn Nga do ông dẫn đầu đã đến địa điểm đàm phán vào tối 2/3. Theo ông Medinsky, phía Ukraine dự kiến ​​sẽ đến vào sáng ngày 3/3, đồng thời cho biết thêm rằng Nga và Ukraine đã nhất trí về địa điểm cho vòng đàm phán mới.

"Quân đội Nga đã thiết lập một hành lang an toàn để cho phép phái đoàn Ukraine di chuyển qua lãnh thổ Ukraine", Cố vấn Tổng thống Putin nói. Ông cho biết thêm: "Khả năng về một lệnh ngừng bắn sẽ được bàn đến trong suốt cuộc thảo luận cùng với các vấn đề khác".

Bộ Ngoại giao Belarus cũng thông báo các cuộc hội đàm sẽ được tổ chức tại khu vực Belovezhskaya Pushcha, giáp biên giới nước này với Ba Lan.

Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky phát biểu trước giới truyền thông sau cuộc đàm phán với phái đoàn Ukraine ở vùng Gomel, Belarus hôm 28/2. Ảnh: AP

Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky phát biểu trước giới truyền thông sau cuộc đàm phán với phái đoàn Ukraine ở vùng Gomel, Belarus hôm 28/2. Ảnh: AP

Tuy nhiên, David Arakhamia, lãnh đạo phe quốc hội của Đảng Người phục vụ Nhân dân ở Ukraine, nói trên Facebook rằng "thông tin rằng cuộc đàm phán sẽ được tổ chức ở Belovezhskaya Pushcha là không đúng. Thực tế, cuộc hội đàm sẽ diễn ra, nhưng ở một địa điểm khác. Mọi thông tin chi tiết sẽ được cung cấp sau ", hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Hiện tại, Nga chưa có phản hồi về tuyên bố đổi địa điểm đàm phán từ phái đoàn Ukraine. Tham gia vòng đàm phán lần hai của Nga sẽ bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Andrey Rudenko, Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nhà nước Nga Leonid Slutsky và Đại sứ Nga tại Belarus.

Trước đó, thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow trông đợi vào kết quả thành công của các cuộc đàm phán, nhưng không đưa ra bất kỳ dự báo nào.

Ngày 28/2, vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra tại thành phố Gomel của Belarus. Cuộc họp kéo dài năm giờ, các bên đã xem xét chi tiết tất cả các nội dung trong chương trình nghị sự và đồng ý tiếp tục quá trình đàm phán.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, các cuộc đàm phán đã không dẫn đến kết quả như mong muốn và chỉ "lãng phí thời gian" nếu lực lượng Nga vẫn tiếp tục tấn công các thành phố Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trên Facebook rằng Kiev sẵn sàng đàm phán, nhưng sẽ không tuân thủ "tối hậu thư của Nga". Ông Kuleba và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và nguồn cung cấp vũ khí phòng thủ mới cho Ukraine trong một cuộc điện đàm hôm 2/3.

Vị bộ trưởng Ukraine nhấn mạnh nước này cam kết tìm các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột với Nga, nhưng các đồng minh của Kiev phải thể hiện sự thống nhất trong việc gia tăng áp lực lên Nga "cho đến khi Moscow thể hiện sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán mang tính xây dựng".

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có nhiều cuộc điện đàm về tình hình Ukraine với các nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Israel Naftali Bennett.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/3 tiết lộ khoảng 498 binh sĩ Nga thiệt mạng và gần 1.600 người bị thương trong chiến sự ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ các báo cáo rằng Moscow đã có "vô số" thương vong, coi các tuyên bố này là thông tin cố ý sai lệch có nguồn gốc từ đối thủ.

Theo ước tính của quân đội Nga, phía Ukraine mất ít nhất 2.870 binh sĩ và có 3.700 người bị thương. Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm khoảng 572 quân nhân Ukraine bị bắt làm tù binh.

Quân đội Nga cho biết các đơn vị Nga tham gia vào cuộc tấn công chỉ bao gồm các quân nhân chuyên nghiệp, bác bỏ các cáo buộc rằng lực lượng Nga bao gồm phần lớn là "lính nghĩa vụ".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.