Chủ tịch Quốc hội: Sẽ không có luật riêng nào về xử lý nợ xấu

QUỐC HỘI Việt nAM
11:33 - 26/05/2022
Chủ tịch Quốc hội: Sẽ không có luật riêng nào về xử lý nợ xấu
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội khẳng định, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống tín dụng.

Nhiều đại biểu đề nghị nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023, vì việc dừng áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho biết, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, nên việc kéo dài thêm thời hạn xử lý nợ xấu theo nghị quyết là cần thiết. Nhưng ông lưu ý, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần dự liệu những vấn đề phát sinh trong thời gian kéo dài, gắn trách nhiệm xử lý và hoàn thiện xây dựng pháp lý để đảm bảo tính liên tục, lâu dài trong xử lý nợ xấu sau khi thời hạn kéo dài kết thúc.

Tương tự, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đặt vấn đề sửa luật để khơi thông xử lý nợ xấu, hơn là kéo dài thời hạn xử lý nợ theo nghị quyết.

Trước một số ý kiến cho rằng cần ban hành Luật hoặc có khung khổ pháp lý cao hơn để xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết 42 chính là luật về xử lý nợ xấu.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.

Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.

"Không có luật riêng nào về xử lý nợ xấu nữa. Cũng không có khung nào nữa vì khung này (Nghị quyết 42) là cao nhất rồi. Bây giờ Quốc hội quyết định cho phép kéo dài đến hết năm 2023, trong quá trình đó phải pháp điển hoá các quy định trình Quốc hội sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng, chậm nhất là Kỳ họp đầu năm 2023 để khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, sang năm 2024 thì đã có Luật Các tổ chức tín dụng thay thế", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

“Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.