Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình

CHÍNH SÁCH Thái Binh
16:58 - 20/01/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 20/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Xây dựng Thái Bình thành tỉnh phát triển ở vùng Đồng bằng Sông Hồng

Báo cáo tại cuộc làm việc, Tỉnh ủy Thái Bình cho biết đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội phù hợp với tình hình thực tiễn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển khá nhanh và toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vượt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành và đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vai trò và trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với những kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển của tỉnh như chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý liền kề với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Hồng và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.

Tĩnh cũng chưa có định hướng rõ nét về phát triển kinh tế biển; chưa phát huy được đúng mức tiềm năng dân cư và con người, còn hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lao động lành nghề.

Cùng với đó, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất chưa đạt yêu cầu; ngành nông nghiệp còn chuyển biến chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết chưa nhiều.

Sản xuất công nghiệp chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn; đa số vẫn là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là gia công và sản xuất sản phẩm thông thường, chậm đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất; chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp đạt trình độ quốc gia và khu vực.

Thái Bình cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng với sự chuyển dịch kinh tế của Thái Bình; tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu lao động; có nhiều giải pháp thu hút nguồn lực; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ. Hoạt động của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp nhiều ý kiến cho Quốc hội.

Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Thái Bình tiếp tục rà soát để thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh đạt mức cao nhất.

Đồng thời, xây dựng và tổ chức, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt; đặc biệt GRDP phấn đấu đạt chỉ tiêu 2 con số trở lên; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thái Bình tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thái Bình tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: Quochoi.vn

Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với không gian kinh tế xã hội gồm một trung tâm; một hành lang kinh tế phía Đông; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam và hướng về Hà Nội; một hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh Bắc Trung Bộ về Hải Phòng, Quảng Ninh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Thái Bình cần rà soát và có đề án duy tu, cải tạo, nâng cấp hệ thống đê biển, hạ tầng thủy lợi; tiếp tục đầu tư hạ tầng cho sản xuất; tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là trong các khu công nghiệp.

Về thể chế chính sách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sớm hoàn thiện đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; tăng cường công tác quản lý đất đai, rừng, biển; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, trên tinh thần thận trọng, kỹ lưỡng, không thu hút đầu tư về mọi giá, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ cao...

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh cần chú trọng công tác xây dựng Đảng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bên cạnh đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, mọi nhà đón mừng năm mới, vui Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.546 km2, cách thủ đô Hà Nội 110 km, Hải Phòng 70 km, với bờ biển dài 52 km. Dân số gần 1,9 triệu người, mật độ dân số khoảng 1.200 người/km2, trong đó, hơn 80% dân số ở khu vực nông thôn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 8,18%. Đặc biệt năm 2023 đạt 7,37%, đứng thứ 7 vùng Đồng bằng sông Hồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng/người. Tổng thu NSNN hằng năm đạt kết quả tốt, nhất là thu nội địa có sự tăng trưởng bứt phá, đã đạt mốc 10.000 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư, nhất là FDI có sự tăng trưởng vượt bậc: Tổng vốn FDI giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 4,1 tỷ đồng, trong đó, năm 2023, vốn FDI đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố.Tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn năm 2023 tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 99.000 tỷ đồng. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành rõ nét, khẳng định được vai trò động lực phát triển của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.