Chủ tịch Thép Nam Kim nêu cơ sở tự tin hoàn thành mục tiêu lãi 400 tỷ

NKG Thép Nam Kim
15:07 - 21/04/2023
 Chủ tịch Thép Nam Kim Hồ Minh Quang.
Chủ tịch Thép Nam Kim Hồ Minh Quang.
0:00 / 0:00
0:00
Với giá thép bình quân năm nay, Chủ tịch Thép Nam Kim Hồ Minh Quang cho biết công ty tự tin có thể hoàn thành kế hoạch năm với giá vốn tồn kho thấp.

Sáng 21/4, CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13,5% so với kết quả kiểm toán năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ gần 107 tỷ đồng. Tổng sản lượng dự kiến là 940.000 tấn, tăng khoảng 7%.

Ban lãnh đạo NKG nhận định, năm 2023 sẽ là một năm nhiều thách thức. Biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt... vẫn khó lường; rủi ro về lạm phát tăng cao, khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm; kinh tế thế giới đối diện với khủng hoảng khi lãi suất tăng cao, các dự án triển khai ngày một ít đi trong khi chi phí lãi vay toàn cầu tăng mạnh; mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép.

Thị trường nội địa sẽ khó khởi sắc khi các dự án bất động sản năm 2023 dự kiến tiếp tục chìm trong khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng cao, pháp lý tắc nghẽn. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cũng dự kiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu.

Trong trường hợp kinh tế các nước suy yếu nhanh hơn dự kiến, các chính sách bảo hộ thương mại có thể sẽ xuất hiện nhằm bảo vệ nguồn sản xuất trong nước.

Nhìn chung, ban lãnh đạo NKG cho rằng thị trường năm 2023 sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về cơ sở để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Hồ Minh Quang – Chủ tịch HĐQT cho biết, kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng dựa trên giá thép cán nóng (HRC) khoảng 600 - 700 USD/tấn. Mục tiêu lợi nhuận được xác định dựa trên hàng tồn kho hiện tại và các quý tới. Tính tới quý 1/2023, công ty không trích thêm dự phòng tồn kho. “Với giá thép bình quân năm nay, công ty tự tin có thể hoàn thành kế hoạch năm với giá vốn tồn kho thấp”, ông Quang nói.

Chia sẻ thêm về kết quả quý 1/2023, ông Quang dự kiến doanh thu khoảng 4.400 tỷ đồng, lỗ gần 50 tỷ. Chủ tịch NKG nhận định, tình hình quý đầu năm còn nhiều khó khăn, do nghỉ Tết và giá cả vừa được ổn định. “Nhìn chung kết quả quý 1 của NKG đã tương đối tốt hơn so với các đơn vị cùng ngành, dù có lỗ nhưng đã giảm thiểu so với hai quý cuối năm rất nhiều. Quý 2 dự báo sẽ khả quan hơn, sáng sủa hơn”, ông Quang nói.

Thông tin cụ thể hơn về tình hình tồn kho và nhập hàng của Nam Kim, Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết, công ty bắt đầu quản trị hàng tồn kho từ đầu quý 3/2022 và ban điều hành cũng bất ngờ trước diễn biến của thị trường.

"Trong quý 3-4/2022, thị trường mất thanh khoản, nhất là thị trường xuất khẩu. Công ty đã giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, từ tháng 11-12/2022 giá hàng hóa có xu hướng tạo đáy nên công ty quyết định nhập thêm. Các doanh nghiệp khác muốn giảm tối đa hàng tồn kho, nhưng quan điểm của chúng tôi là phải chuẩn bị cho các hoạt động của quý 1/2023. Tồn kho ít mà giá còn cao sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh", ông Vũ chia sẻ.

Theo ông Vũ, giá tồn kho bình quân của Nam Kim ở mức khá thấp, khoảng 640 USD/tấn. Tại cuối quý 1/2023, tổng tồn kho của Nam Kim ở mức 6.000 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ đồng so với cuối quý trước. Giá vốn tương đối tốt giúp đảm bảo NKG sẽ có lãi trong quý 2/2023.

Năm 2022, NKG ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2021. Thách thức thị trường, giá đầu vào tăng trong khi đầu ra giảm khiến công ty lỗ gần 125 tỷ đồng. Với kết quả này, NKG dự kiến không trả cổ tức năm 2022.

“Không chia chúng tôi rất áy náy, nhưng nếu chia hết thì sẽ rất áp lực cho ban điều hành, vì chưa biết sắp tới sẽ như thế nào. Nếu chia cổ tức nhiều trong bối cảnh này thì rủi ro sẽ càng lớn, và giá trị cho cổ đông dài hạn cũng giảm. Nên tôi mong cổ đông thông cảm, không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh đổi dài hạn”, Chủ tịch Hồ Minh Quang chia sẻ với cổ đông.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.