Chưa xử lý được nợ xấu mua lại, Eximbank ước tính lợi nhuận giảm 18%

NGÂN HÀNG Việt nAM
11:15 - 22/01/2022
Trong năm 2021, Eximbank đã mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC.
Trong năm 2021, Eximbank đã mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC.
0:00 / 0:00
0:00
Trước khi thông báo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2021, Eximbank cũng đã điều chỉnh lợi nhuận giảm mạnh 60% so với kế hoạch, từ 2.150 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng.

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, mã chứng khoán EIB) vừa có Nghị quyết thông qua đề xuất của ban điều hành về kế hoạch kinh doanh năm 2022; đồng thời thông báo sơ bộ về kết quả sơ bộ năm 2021.

Theo đó, ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.

Tổng tài sản năm 2021 đạt 166.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 115.790 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%.

Trước đó, những ngày cuối năm 2021, Eximbank đã điều chỉnh loạt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, chỉ tiêu tổng tài sản giảm từ 177.000 tỷ xuống còn 167.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu huy động vốn giảm từ 148.000 tỷ xuống 139.500 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) giảm từ 117.000 tỷ xuống 115.790 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm từ 2.150 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng.

Theo lý giải của lãnh đạo EIB, sở dĩ lợi nhuận năm qua không đạt mục tiêu do ngân hàng chưa xử lý được các khoản nợ mua lại từ VAMC để hoàn nhập dự phòng, vì tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4. Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của EIB khoảng 2.400 tỷ đồng.

Năm 2022, HĐQT Eximbank đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.

Lợi nhuận trồi sụt của EIB trong những năm qua.

Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ xấu lại cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). VAMC sẽ mua lại nợ xấu từ phía ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt trong thời hạn 5 năm, với lãi suất 0%. Mỗi năm, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số trái phiếu này.

Thực chất, việc bán nợ cho VAMC chỉ là cách giúp ngân hàng kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức cho phép và kéo dài thời gian để trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu này. Tức là VAMC chỉ là nơi giữ hộ nợ xấu, các ngân hàng vẫn phải trực tiếp xử lý những khoản nợ. Khi các khoản nợ xấu được xử lý xong, các ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần làm tăng lợi nhuận thực sự.

Dù rất muốn nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng chưa thể tất toán trái phiếu đặc biệt của VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn, đang thực hiện tái cơ cấu.

Về Eximbank, hồi tháng 4/2021, ngân hàng thông báo đã mua lại toàn bộ 8.025 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC, đồng nghĩa với việc xóa sạch nợ xấu gửi tại Công ty này. Trong khoảng thời gian bán nợ xấu cho VAMC, Eximbank đã xử lý thu hồi được nợ (gốc và lãi) số tiền 4.940 tỷ đồng; dự phòng trái phiếu VAMC đã trích lập 4.270 tỷ đồng. Việc chủ động tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt VAMC là nỗ lực lớn của ngân hàng trong năm 2021, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB có một năm tăng nóng với thị giá cuối năm gấp đôi so với đầu năm. Cụ thể, trong năm 2021, mã có hai đợt “bốc đầu” vào tháng 6 và tháng 12, với hai mức đỉnh chinh phục được là 33.400 đồng và 35.500 đồng. Kết phiên 21/12, EIB có giá ở mức đỉnh hồi tháng 6 - 33.400 đồng.

Cổ phiếu EIB được đánh giá là một “hiện tượng lạ” trong năm 2021 vì giai đoạn cuối năm 2021, nhóm ngân hàng hầu hết trong tình trạng xuống dốc, kể cả những bank có báo cáo doanh thu 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh.

Sự “khác thường” của EIB được cho là liên quan đến hiện tin đồn nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC – cổ đông chiến lược nước ngoài của nhà băng này. Tuy nhiên sau đó, DOJI đã phủ nhận thông tin trên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.