Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:28 - 13/01/2022
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, nhóm bank đã gây nhiều hụt hẫng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên thời gian gần đây, các mã đều đang có xu hướng lấy lại “phong độ”. Cùng nhìn lại ngành ngân hàng năm 2021 và triển vọng trong năm 2022 để nhận định về nhóm cổ phiếu này.

Trong năm 2021, dù chịu nhiều thách thức khi vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng việc giảm lãi suất cho vay thực chất, vừa phải đối mặt với nợ xấu tiềm ẩn nhưng hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung vẫn đạt kết quả khả quan.

Như nhóm “Big4” đều thông báo đạt lợi nhuận mục tiêu kế hoạch đặt ra: VietinBank (16.800 tỉ đồng), BIDV (13.000 tỉ đồng), Agribank (hơn 14.000 tỉ đồng), Vietcombank (25.580 tỉ đồng).

Khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng ghi nhận con số lãi vượt trội. TPBank công bố thông tin đầu tiên với ước lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020 và vượt hơn 4% so với kế hoạch. MSB chưa đưa ra con số chính thức song ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng này ước đạt 5.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020.

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB thì tiết lộ, lợi nhuận năm 2021 là con số cao kỷ lục của VIB từ khi thành lập tới nay.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý đầu năm nên dự báo vượt xa chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2021 như: BVB (Viet Capital Bank), SSB (SeABank) lần lượt đạt 385 tỷ đồng; 2.530 tỷ đồng trước thuế tính đến hết quý III/2021; MSB đạt hơn 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm (tính đến cuối tháng 10).

TPBank báo lãi tăng 40% so với năm 2020.

TPBank báo lãi tăng 40% so với năm 2020.

Chỉ số hoạt đống của các ngân hàng năm 2021 tăng trưởng tốt là nhờ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, tín dụng ở nhiều ngân hàng đã tăng trở lại từ tháng 10 và và tăng mạnh hơn trong 2 tháng cuối năm, từ đó tác động tích cực hơn nữa lên lợi nhuận quý IV cũng như cả năm.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, khả năng tín dụng năm 2021 có thể đạt xấp xỉ 14%. Năm 2020 là 12,17%.

Thứ hai, không chỉ trông chờ vào tín dụng, nhiều ngân hàng đã gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp như MB, Techcombank, TPBank, VPBank, MSB… nhờ đó cải thiện được khả năng sinh lời do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp. Thêm vào đó là sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán giúp thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao.

Thứ ba, các ngân hàng tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn giúp giảm chi phí vốn và đây là xu hướng chung kéo dài nhiều năm trước và kể cả trong thời gian tới. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn cao hơn 30% như Techcombank, MB, Vietcombank, MSB… giúp có chi phí vốn thấp, gia tăng hiệu quả cho vay.

Mức độ tăng trưởng sẽ phân hóa rõ rệt

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành được dự báo duy trì ở mức cao trong dài hạn vì Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Tăng trưởng nền kinh tế nói chung và xu hướng gia tăng tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành.

Cụ thể trong năm 2022, VCBS kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13 – 15%. Nhóm ngân hàng có hệ số CAR cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức room tín dụng cao hơn trung bình ngành.

Ngoài ra, các triển vọng ngành khác mà VCBS dự báo là:

Mức độ cạnh tranh trong ngành sẽ tăng lên, tập trung nhiều vào thu hút khách hàng, cải thiện chi phí vốn trong khi NIM vẫn duy trì cao nhờ chính sách “room” tăng trưởng tín dụng.

Chuyển đổi số, ngân hàng số, hệ sinh thái cũng là những mục tiêu đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. Thành công bước đầu đã đến với những ngân hàng đang đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng nhờ nắm giữ được nhiều dữ liệu.

VCBS

VCBS

Covid-19 khiến nợ xấu toàn ngành tăng lên; tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chung sẽ thấp hơn nhiều so với giai đoạn khủng khoảng 2012 – 2013 và sự có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm nhanh kể từ Quý 4/2021. Tuy nhiên các ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập.

Công ty chứng khoán dự báo toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: BID, MBB, TCB, ACB, TPB, MSB.

Các mã tiềm năng

Về cổ phiếu ngân hàng, các mã bank nửa cuối năm 2021 không còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh và đồng đều như giai đoạn nửa đầu năm; đồng thời mức định giá đã cao hơn trung bình quá khứ. Do đó, theo VCBS, giá cổ phiếu của các ngân hàng năm 2022 kỳ vọng có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng. Dưới đây là nhận định của VCBS về một số mã bank tiềm năng.

BID: Là ngân hàng đầu ngành về quy mô và thị phần, với nguồn lực tốt và đang trong giai đoạn cuối của quá trình tích cực tái cơ cấu để làm lành mạnh chất lượng tài sản và lợi nhuận của ngân hàng được kỳ vọng tăng lên ở giai đoạn sắp tới.

Cơ cấu cổ đông: Bao gồm 81% sở hữu thuộc Ngân hàng nhà nước, 15% thuộc Keb Hana, còn lại là cổ đông khác.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn nhờ chất lượng tài sản ngày càng cải thiện. Cụ thể, BID đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và dự kiến hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2021. Do đã trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2021 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể, giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tích cực khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt và trọng tâm dần chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ.

Kiểm soát tốt chi phí hoạt động: Tỷ lệ CIR ở mức thấp của ngành nhờ ứng dụng công nghệ vào hoạt động cũng như sự hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược.

Lộ trình tăng vốn 2021-2023: Năm 2021 BID dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2% và phát hành thêm cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 8,5% trong 2021-2022. Trong 2 năm tới SBV sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65%, room ngoại còn khoảng 15%.

VCBS

VCBS

MBB: MBBank là ngân hàng TMCP quy mô lớn với mô hình kinh doanh năng động, bao gồm nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. MBB có những lợi thế đặc biệt nhờ nằm trong khối Quân đội.

Cơ cấu cổ đông: Bao gồm 14% sở hữu thuộc Viettel, 9% thuộc SCIC, 23% nước ngoài sở hữu, còn lại là cổ đông khác.

Tín dụng còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn: MBB có hệ số an toàn vốn CAR Quý 3/2021 đạt 12,4% và thuộc nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn tối ưu để cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng tín dụng và mục tiêu lợi nhuận.

Số lượng khách hàng tăng nhanh nhờ chiến lược tiếp thị và bán hàng hiệu quả với sự hỗ trợ của ngân hàng số.

Lợi thế về chi phí vốn và thanh khoản dồi dào giúp biên lãi ròng NIM tiếp tục duy trì ở mức cao: Lợi thế về CASA cùng môi trường lãi suất thấp giúp MBB tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất hệ thống.

Các công ty con hoạt động hiệu quả giúp thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh mẽ.

Tiết giảm chi phí hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ và số hóa vào hoạt động.

Áp lực trích lập thấp nhờ bắt đầu quá trình trích lập xử lý tài sản sớm.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm bank chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị vốn hóa thị trường. Do đó diễn biến giá của “họ” ngân hàng trong mỗi phiên giao dịch tác động khá lớn đến chỉ số VN-Index. Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán năm 2021, mỗi khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử đều có sự đóng góp tích cực của nhóm này.

Trong những phiên cuối năm 2021, cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền tốt hơn. Sang năm mới, bank trở lại thể hiện vai trò trụ cột khi dẫn dắt VN-Index vượt 1.500 điểm. Đặc biệt trong vài phiên gần đây, khi nhóm bất động sản và xây dựng chìm xuồng do sự kiện Tân Hoàng Minh và FLC, nhà đầu tư tiếp tục chuyển hướng dòng tiền mạnh hơn sang bank, kỳ vọng nhóm "cổ phiếu vua" sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

MSB: MSB là một ngân hàng tư nhân năng động với quy mô trung bình, tốc độ tăng trưởng cao, lợi thế chi phí huy động thấp và thế mạnh trong hoạt động liên ngân hàng.

Cơ cấu cổ đông: Bao gồm 6% sở hữu thuộc tập đoàn VNPT, 29,2% thuộc sở hữu của 7 quỹ nước ngoài, còn lại là cổ đông khác.

Động lực tăng trưởng đến từ phân khúc khách hàng cá nhân và SME.

Tăng trưởng nhanh về thị phần tín dụng: CAGR 5 năm đạt 23%. Room tín dụng 2021 là 22%, thuộc top cao nhất ngành.

Kỳ vọng biên lãi ròng NIM cải thiện nhờ tối ưu hóa tỷ lệ LDR, thâm nhập vào các phân khúc có lợi suất cao hơn, và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp từ CASA.

Thu nhập dịch vụ tăng mạnh nhờ hợp đồng bancassurance.

Thu nhập bất thường từ việc thoái vốn các công ty con có thể thu về khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại FCCOM trong năm 2022.

Chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ và số hóa ngân hàng nhằm thu hút khách hàng mới và nâng cao hiệu quả hoạt động.

TCB: Techcombank thuộc nhóm các ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất; thực hiện chiến lược tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng từ rất sớm và do đó thu hút đượng một lượng lớn khách hàng sử dụng dịch vụ và giúp giảm chi phí vốn của ngân hàng.

Cơ cấu cổ đông: Bao gồm 15% sở hữu thuộc Masan, 13,9% thuộc gia đình chủ tịch Hồ Hùng Anh, 22,5% thuộc các quỹ nước ngoài và còn lại thuộc các cổ đông khác.

Tín dụng tăng trưởng tốt: TCB có hệ số CAR đạt 15,8%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu 8% tại thông tư 41. Do đó, TCB được cấp room tín dụng cao hơn trung bình ngành và tốc độ tăng trưởng tín dụng kỳ vọng được duy trì trong tương lai.

Hướng tới mô hình hệ sinh thái giúp chi phí vốn duy trì thấp trong dài hạn: Tối ưu hóa hoạt động ngân hàng đầu tư gắn với ngân hàng; kế hoạch kết hợp triển khai dịch vụ tài chính với One Mount Group, Vinmart và Vinshop; xây dựng lại hệ thống App mới giúp tăng trải nghiệm khách hàng… Việc giữ chân được khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới là yếu tố then chốt giúp TCB duy trì được mức chi phí vốn thấp trong dài hạn.

Áp lực trích lập dự phòng thấp: Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ tái cơ cấu của TCB đều đang ở mức thấp khi ngân hàng đã tăng cường trích lập mạnh mẽ trong các quý vừa qua.

Lợi nhuận 4 ngân hàng được VCBS kỳ vọng giá cổ phiếu tăng tốt trong năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp