Chứng khoán DSC có gì mà cổ phiếu tăng 50% sau 4 phiên?

DSC CHỨNG KHOÁN
20:17 - 16/08/2022
ĐHĐCĐ Chứng khoán DSC năm 2022.
ĐHĐCĐ Chứng khoán DSC năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 4 phiên gần đây, cổ phiếu DSC của CTCP Chứng khoán DSC (sàn UPCoM) liên tục tăng trần. Với mức tăng 14,8% mỗi phiên, chỉ sau 4 phiên, mã này đã tăng gần 60%.

Từ mức giá 20.100 đồng/cp phiên 9/8, DSC đã vươn lên mức giá 30.200 đồng sau phiên hôm nay (16/8). Còn tính từ 20/6 đến nay thì cổ phiếu này đã tăng 170%, từ mức giá 11.200 đồng. Trong quá khứ, DSC từng có giai đoạn đạt đỉnh ở mức giá 88.000 đồng. Đó là thời điểm tháng 5/2018, khi Chứng khoán DSC mới niêm yết cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên sau đó, mã nhanh chóng rớt giá sâu và lình xình quanh vùng 5.000-10.000 đồng trong thời gian dài (6/2019-3/2021).

Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, được thành lập từ tháng 06/2006. Năm 2021, công ty này có biến động lớn về cổ đông khi CTCP Đầu tư NTP mua vào 70 triệu cổ phiếu DSC (tỷ lệ 70%) và trở thành cổ đông lớn. Trước giao dịch, Đầu tư NTP không sở hữu cổ phiếu nào.

Đây là số cổ phiếu mà Công ty NTP mua vào khi Chứng khoán Đà Nẵng phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư, nhằm tăng vốn điều lệ gấp 16 lần, từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Theo thông báo số 3407 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 18/6/2022 chính là ngày giao dịch chính thức của 24 triệu cổ phiếu DSC bị hạn chế chuyển nhượng trong đợt phát hành 94 triệu cổ phiếu của DSC nhằm tăng vốn điều lệ nói trên. 70 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng còn lại có ngày giao dịch chính thức là 16/8/2024.

Sau khi có sự thay đổi về cổ đông, Chứng khoán Đà Nẵng đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC, đồng thời chuyển trụ sở chính tại Hải Châu, Đà Nẵng ra địa chỉ 80 Dịch Vọng Hậu (Quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Trong cơ cấu cổ đông của DSC, ngoài CTCP Đầu tư NTP là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 70% thì còn có ông Nguyễn Đức Anh – Chủ tịch HĐQT sở hữu 1,499% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Thu Hà – Thành viên HĐQT sở hữu 1,499%.

Hậu tăng vốn, DSC ngắt mạch thua lỗ và bắt đầu có lãi từ nửa sau của năm 2021. Trong quý 3 và quý 4/2021, công ty chứng khoán này lần lượt báo lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng và 23,8 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của DSC đạt 24,85 tỷ đồng, trong khi năm 2020 con số này bằng 0. Đáng chú ý, tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của DSC đạt 1.809 tỷ đồng, cao gấp 26 lần so với đầu năm.

Sang năm 2022, do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi nên DSC lại thua lỗ trong quý 2/2022. Cụ thể, doanh thu hoạt động của công ty đạt gần 25 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, do ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) 11 tỷ đồng và chi phí lãi vay hơn 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không có nên kết quả, DSC lỗ hơn 4 tỷ đồng sau thuế (cùng kỳ lỗ 1,6 tỷ đồng).

Nhờ kết quả quý 1 khả quan nên lũy kế 6 tháng đầu năm, DSC ghi nhận 58 tỷ đồng doanh thu, gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái; gần 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ lỗ 1,8 tỷ đồng). Tài sản tăng từ 1.809 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.077 tỷ đồng.

Năm 2022, DSC đặt mục tiêu doanh thu đạt 188 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 45 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới thực hiện được 31% kế hoạch doanh thu và 22% kế hoạch lợi nhuận.

Đọc tiếp