Chứng khoán HSC sắp chào bán 229 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

HSC CHỨNG KHOÁN
19:47 - 10/12/2023
Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc HSC tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty ngày 7/12 vừa qua. Ảnh: HSC
Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc HSC tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty ngày 7/12 vừa qua. Ảnh: HSC
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài chào bán cho cổ đông hiện hữu, HSC còn được cơ quan quản lý chấp thuận việc phát hành 68,6 triệu đơn vị để trả cổ tức. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ của công ty chứng khoán sẽ tăng lên trên 7.500 tỷ đồng.

Theo thông tin công bố trên HoSE, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, mã HCM) đã được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng vào ngày 7/12/2023.

Theo đăng ký, tổng số lượng phát hành là 297,2 triệu đơn vị, trong đó 228,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và 68,6 triệu đơn vị phát hành để trả cổ tức. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 4.581 tỷ đồng lên thành 7.552 tỷ đồng.

Phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp ngày 8/8/2022, tỷ lệ thực hiện quyền 2:1. Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành dự kiến đạt 2.286 tỷ đồng. Số tiền thu được, công ty dự kiến cân nhắc dùng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) 1.786 tỷ đồng và bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh 500 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu HCM kết phiên 8/12 tại 31.000 đồng/cp, tăng 43% qua một năm, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 5,8 triệu đơn vị.

Tăng vốn với các công ty chứng khoán là điều kiện tiên quyết để gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bởi đây là ngành thâm dụng vốn lớn, nếu tiềm lực tài chính mỏng sẽ bị bỏ lại phía sau. Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.

HSC đã từng là một là công ty lớn thứ 2 thị trường chứng khoán giai đoạn 2020 trở về trước với thị phần môi giới trên 10%. Tuy nhiên công ty này dần đánh mất thị phần và đến quý 3/2023 bị đẩy xuống vị trí thứ 6 với thị phần môi giới tại HoSE chỉ còn hơn 5%.

HSC cũng từng nằm trong top 3 thị trường về quy mô vốn điều lệ nhưng cũng đã bị nhiều đơn vị vượt mặt như VNDirect, Chứng khoán VPBank, Chứng khoán SHS, Chứng khoán VIX… Vốn điều lệ 4.581 tỷ đồng của HSC chỉ bằng 30% vốn công ty lớn nhất thị trường (SSI).

Chậm tăng vốn còn khiến cổ phiếu HCM trên sàn dần đánh mất vị thế đầu tàu - từng một thời là chỉ báo cho "sóng" ngành chứng khoán, thậm chí cả thị trường. Giá trị vốn hóa của HSC hiện chỉ hơn 14.000 tỷ đồng, trong khi 2 cái tên dẫn đầu là SSI và VNDirect đều đã vượt ngưỡng tỷ USD.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 8/8/2022, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc HSC cho biết, tăng vốn là sống còn đối với HSC, không phải là số lượng, là con số mấy nghìn tỷ mà còn là cơ hội.

“Chúng tôi thực sự đau khổ trong 2 năm qua khi không thể nào tăng vốn kịp với cơ hội mở ra trên thị trường. HSC mất rất nhiều khách hàng, có những khách hàng truyền thống đã đi qua công ty chứng khoán khác vì đơn giản họ tăng vốn nhanh hơn”, ông Giang chia sẻ với cổ đông.

Một trong những nguyên nhân khiến HSC chậm chân trong việc tăng vốn thời gian qua là do cổ đông Nhà nước HFIC - tổ chức trực thuộc UBND TP HCM có chủ trương thoái vốn nên không muốn bỏ thêm tiền. Trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021, HFIC đã chuyển tiền mua vào tài khoản phong toả, nhưng việc góp vốn của HFIC phải mất tới 2 năm mới hoàn tất do phải chờ ý kiến chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Để tiếp tục thực hiện đợt phát hành tăng vốn khác thì công ty phải hoàn thành đợt tăng vốn trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.