Chứng khoán Tiên Phong có tân tổng giám đốc sau quý thua lỗ đậm

TPS CHỨNG KHOÁN
09:13 - 27/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Việc bổ nhiệm tân tổng giám đốc nằm trong lộ trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững theo định hướng chiến lược của Chứng khoán Tiên Phong trong thời gian tới.

CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) vừa thông báo bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty đối với bà Bùi Thị Thanh Trà từ ngày 26/7.

Bà Bùi Thị Thanh Trà, sinh năm 1976, nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Chứng khoán Tiên Phong, là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp như là Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc tại Tổng công ty Mía đường II - CTCP, CTCP Phát triển Nông nghiệp Bình Dương, CTCP Mía đường La Ngà…

Bà Trà gia nhập và đồng hành cùng TPS ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu (tháng 3/2019) với vai trò là Giám đốc Khối Vận hành. Đến thời điểm được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của TPS, bà Trà đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách chung hoạt động của TPS; trước đó cũng có hơn một năm bà Trà phụ trách mảng Ngân hàng Đầu tư (IB) của TPS với vai trò Giám đốc Khối.

Bà Bùi Thị Thanh Trà - Tân Tổng giám đốc Chứng khoán Tiên Phong.

Bà Bùi Thị Thanh Trà - Tân Tổng giám đốc Chứng khoán Tiên Phong.

Theo TPS, việc bổ nhiệm nằm trong lộ trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững theo định hướng chiến lược của công ty trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 23/7/2022, ông Trần Sơn Hải đã có đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc TPS vì lý do cá nhân. Ngay sau đó, TPS đã có Quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty đối với ông Hải.

Về tình hình kinh doanh, TPS vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh ghi nhận quý thua lỗ đậm nhất lịch sử hoạt động. Cụ thể, trong quý II/2022, công ty báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên TPS báo lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết năm 2019.

Theo báo cáo tài chính, mặc dù doanh thu của TPS tăng 125,8%, đạt gần 662 tỷ đồng, song chi phí tăng đột biến 251,99%, lên 823 tỷ đồng, dẫn tới lỗ sau thuế tới 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 53,7 tỷ đồng.

Giải trình từ phía TPS cho thấy, nguyên nhân chi phí tăng cao chủ yếu là do hoạt động tự doanh bị ảnh hưởng từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng.

TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu niêm yết với giá trị hơn 87 tỷ đồng, trong đó cắt lỗ SSI với giá trị hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong kỳ hơn 367 tỷ đồng.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2022, TPS ghi nhận 1.472,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 172%. Lãi trước thuế 118,5 tỷ đồng, giảm 32,5%. Lãi sau thuế 92,4 tỷ đồng, giảm 38,6%.

Tổng tài sản của Chứng khoán Tiên Phong cuối tháng 6/2022 gần 6.059 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền chiếm chủ yếu trong cơ cấu, với giá trị hơn 1.110 tỷ đồng, gấp 10,3 lần đầu năm.

Dư nợ cho vay cuối quý II tăng 46% so với đầu năm, lên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc cho vay ký quỹ (margin) đạt gần 1.478 tỷ đồng, ứng trước tiền bán chứng khoán đạt hơn 96,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 7% và 59,3% so với đầu năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, TPS đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt 24% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 26/7, cổ phiếu ORS giao dịch tại vùng giá 14.300 đồng/cổ phiếu, lao dốc 46% kể từ mức đỉnh lập được vào cuối quý I/2022.

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.