Chứng khoán tuần này: Hy vọng dừng đà giảm khi thanh khoản cạn kiệt

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
06:10 - 05/03/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Trong kịch bản tích cực nhất, có thể kỳ vọng VN-Index duy trì biên độ dao động hẹp với khối lượng giao dịch cạn kiệt để đi vào vùng tích lũy. Trường hợp xấu hơn, chỉ số khả năng quay trở lại kênh giảm giá trung hạn để hướng tới việc test lại đáy 920-950 .

VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co quanh vùng điểm 1.020, chỉ số liên tục rung lắc mạnh với thanh khoản sụt giảm. Tâm lý giằng co giữa phe mua và phe bán vẫn được thể hiện rõ ràng qua việc thanh khoản bán chủ động liên tiếp xuất hiện trở lại ngay khi VN-Index bật nảy phục hồi.

Kết tuần, VN-Index giảm 14,79 điểm (-1,4%), xuống mốc 1.024,77. HNX-Index giảm 2,43 điểm (-0,61%) xuống 204,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 31,5% so với tuần giao dịch trước đó xuống 37.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,9% xuống 2.275 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 35,7% xuống 4.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 32,3% xuống 291 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index là MSN của Masan. Riêng mã này đã kéo giảm chỉ số hơn 3,3 điểm. Nhóm ngân hàng có 3 cổ phiếu ngân hàng nằm trong top 10 tiêu cực nhất, bao gồm VCB, MBB và CTG, làm kéo giảm chỉ số tổng cộng hơn 4,1 điểm.

Hai “ông lớn” ngành bán lẻ là MWG và FPT cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu làm giảm điểm của chỉ số nhiều nhất, ở MWG là gần 1 điểm, còn ở FPT là hơn 0,6 điểm. GAS, HPG, HVN, NVL cũng đều ở chiều giảm.

Ngược lại, 3 cổ phiếu ngân hàng khác gồm BID, STB và HDB đã giúp chỉ số tăng gần 2,3 điểm. BID là cổ phiếu dẫn đầu cả nhóm kéo tăng với gần 1,7 điểm.

Xét về nhóm ngành, nhóm dầu khí nổi bật nhất khi vẫn giữ được sắc xanh hơn 2%, với nhiều cổ phiếu tăng tốt như PVD (+4,1%), PVS (+3,1%), PVB (+1,4%), PVC (+2,6%)...

Các ngành còn lại đều diễn biến tiêu cực. Ngành bán lẻ giảm mạnh nhất với 5,87% giá trị vốn hóa “bốc hơi”. Sự sụt giảm đến từ các trụ cột tiêu biểu trong ngành là MWG (-6,4%), FRT (-4,4%)...

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.181 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 13 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là SSI và HPG với lần lượt 8,8 và 8,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, POW là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,9 triệu cổ phiếu.

Giá trị giao dịch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: SHS

Giá trị giao dịch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: SHS

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với tuần điều chỉnh vừa qua thì tín hiệu kỹ thuật của VN-Index tiếp tục trở nên tiêu cực khi mà chỉ số này hiện đã kết tuần dưới các ngưỡng đáng chú ý như 1.033 điểm (MA100), 1.053 điểm (MA20-50) và 1.128 điểm (MA200).

Mặc dù tốc độ điều chỉnh của tuần này không quá mạnh nhưng VN-Index đang nằm ngay trên ngưỡng hỗ trợ 1.025 điểm. SHS cho rằng, nếu chỉ số thủng ngưỡng này thị trường sẽ trở lại xu hướng giảm giá trung hạn; đồng thời VN-Index gần như đã không còn duy trì được kênh hồi phục ngắn hạn.

Với trạng thái hiện tại, kịch bản tích cực nhất có thể kỳ vọng là VN-Index duy trì biên độ dao động hẹp với khối lượng giao dịch cạn kiệt để đi vào vùng tích lũy. Trường hợp xấu hơn là quay trở lại kênh giảm giá trung hạn để hướng tới việc test lại đáy 920-950.

Xét theo phân tích kỹ thuật, SHS cho rằng thị trường vẫn đang vận động bên ngoài kênh giảm giá trung hạn, vẫn có hy vọng VN-Index sẽ dừng đà giảm và hướng tới dao động đi ngang khi khối lượng giao dịch đang giảm xuống ngưỡng cạn kiệt.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, áp lực bán quay trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khiến VN-Index hình thành nến đỏ giảm điểm tiêu cực. Tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đồng loạt hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy cho điểm cân bằng.

Bên cạnh đó, việc bollinger band đang có xu hướng mở xuống phía dưới cho thấy rủi ro trong ngắn hạn của thị trường đã tăng dần lên. Hỗ trợ gần nhất của thị trường vẫn đang nằm quanh khu vực 1.020. Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng điểm này và bật hồi tạo phân kỳ dương 3 đoạn, khi đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc mở vị thế thêm từ 10 – 20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục.

Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến chỉ số chung giảm dưới hỗ trợ, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên nâng cao tỷ trọng tiền mặt kịp thời để hạn chế rủi ro trong ngắn hạn.

Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đồng loạt hướng xuống tiêu cực. Nguồn: VCBS
Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đồng loạt hướng xuống tiêu cực. Nguồn: VCBS

Phân tích thêm về tình hình vĩ mô, VCBS cho biết, các số liệu về tình hình kinh tế xã hội trong tháng 2 tiếp tục cho thấy một số khó khăn đối với khu vực sản xuất. Hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời suy giảm do nhu cầu thế giới dự báo giảm.

Tuy vậy điểm sáng đến từ việc chỉ số PMI về sản xuất đã tăng trở lại đạt 51,2 điểm trong tháng 2 sau chuỗi ba tháng liên tục dưới 50. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu hạ nhiệt với mức giảm 20-50 điểm tùy từng kỳ hạn. Đây là diễn biến được chờ đợi nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn với doanh nghiệp và người dân.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, VN-Index một lần nữa đánh mất đường SMA 100 ngày, qua đó xóa tan kỳ vọng về xu hướng giảm sẽ nhanh chóng được đảo chiều trong ngắn hạn. Thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp (dưới mức trung bình 20 phiên) phản ánh tâm lý thận trọng của dòng tiền mua mới.

Đồng thời, chỉ báo Relative Strength Index (RSI) duy trì đà giảm dưới mức 50 và chỉ báo MACD rơi khỏi mức 0 phản ánh xu hướng tăng trong ngắn hạn vẫn chưa được ủng hộ. Vì vậy trong tuần tiếp theo, TPS cho rằng thị trường sẽ vẫn duy trì kênh giá hướng xuống với cận dưới là vùng giá quanh 1.000 điểm và cận trên là vùng giá quanh 1.070 điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp