Chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong 4 thị trường lớn của ASEAN

CHỨNG KHOÁN TÀI CHÍNH
18:00 - 18/11/2021
Chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong 4 thị trường lớn của ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
"Thị trường Chứng khoán Việt Nam sẽ chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và đặt ra mục tiêu là một trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN"

Thông tin được ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề cập tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư phối hợp với UBCKNN tổ chức sáng nay 18/11.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang cùng với các bộ ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Quan điểm phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế… đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu về chuyển đổi số”, Thứ trưởng cho hay.

Về mục tiêu tổng quát, theo ông Nguyễn Đức Chi, sẽ xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Kết quả của 25 năm qua cho thấy, thị trường đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn, hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Trước đây, chưa có thị trường chứng khoán, thì kênh dẫn vốn ngắn, trung và dài hạn đặt lên vai ngân hàng. Khi có thị trường chứng khoán, thị trường đang ngày càng san sẻ, chiếm tỷ trọng lớn dần trong kênh dẫn vốn với hệ thống ngân hàng.

Thị trường chứng khoán trong nước cần gắn với thị trường khu vực, hội nhập với thị trường quốc tế, theo các thông lệ, chuẩn mực tốt trên quốc tế áp dụng vào xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Về mục tiêu cụ thể, sẽ phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025, và 110% GDP năm 2030… Đối với trái phiếu, hướng tới mục tiêu 47% GDP năm 2025, và 58% GDP năm 2030. Với cơ cấu cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ hợp lý”, Thứ trưởng đề cập.

Về thị trường chứng khoán phái sinh, đặt mục tiêu tốc độ tăng 20 - 30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025, đạt 8% năm 2030 với cơ cấu tổ chức, cá nhân, trong nước, ngoài nước hợp lý. Thứ trưởng Chi đề cập đến 5 giải pháp bao gồm

Thứ nhất, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, củng có hệ thống tài chính, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Các chủ thể ở trong hệ thống những gì yếu kém, rủi ro phải chủ động các giải pháp xử lý, chỉ có như thế thì thị trường chứng khoán mới có bệ đỡ.

Thứ hai, chắc chắn có gói kích thích kinh tế phù hợp phục hồi sau dịch với quy mô thích hợp, gắn với cơ cấu lại kinh tế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả cao. Trong thời gian ngắn nữa sẽ có con số cụ thể ở cấp quyết định cụ thể, nhưng chắc chắn có một gói kích thích phụ hồi kinh tế sau đại dịch.

Thứ ba tiếp tục giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch như miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, trong đó có cả phí của thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường. Các chính sách tài khóa này tiếp tục được thực hiện trong 2022.

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai minh bạch. Bộ chỉ đạo UBCK, các cơ quan liên quan phối hợp các bộ ngành tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trên thị trường có nhiều thông tin, ý kiến khác nhau về việc có vi phạm dẫn tới hành động từ trục lợi 1 nhóm nào đó, Bộ kiên quyết có giải pháp để phát hiện xử lý, đảm bảo thị trường công khai minh bạch, công bằng với mọi chủ thể, đúng tôn chỉ mục đích thị trường.

Thứ năm, sẽ xây dựng tổ chức thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ, đưa vào 1 thị trường tổ chức có quản lý, giám sát, thông tin minh bạch, giảm thiểu rủi ro liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.

Ông Chi cũng đề cập việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cơ cấu lại mô hình công ty mẹ, công ty con, trong đó có HOSE và HNX. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đã có quyết định, chuẩn bị điều kiện để đưa mô hình Sở Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất.

Đồng thời, tổ chức lại Trung tâm lưu ký Chứng khoán thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán, hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE.

Về mục tiêu nâng cao sức mạnh của các định chế trung gian trên thị trường, củng cố và tăng cường năng lực của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư (ETF, hưu trí tự nguyện…), Thứ trưởng cho biết sẽ đưa vào thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ như xếp hạng tín nhiệm, tổ chức và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán…

Tin liên quan

Đọc tiếp