Mọi con đường đều dẫn đến đồng USD mạnh lên, kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng?

TÀI CHÍNH Việt nAM
12:33 - 18/11/2021
Mọi con đường đều dẫn đến đồng USD mạnh lên, kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng?
0:00 / 0:00
0:00
Khi nền kinh tế Mỹ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, đồng USD đang có dấu hiệu bước vào một chu kỳ mạnh lên, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn dự báo.

Khi mọi con đường đều dẫn đến đồng USD mạnh

Vào đầu giờ sáng phiên giao dịch 17/11 (giờ Mỹ), chỉ số Dollar Index - so sánh giá trị đồng bạc xanh với rổ tiền tệ chủ chốt - đã tăng vọt lên 96,266 điểm. Đây là mức tăng cao nhất trong khoảng 16 tháng qua. Cho đến nay, chỉ số này đã rớt xuống 95,77 điểm, nhưng vẫn ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Dollar Index tăng hơn 6,5%.

Chỉ số Dollar Index tăng hơn 6,5% từ đầu năm đến nay (Ảnh: MarketWatch)

Chỉ số Dollar Index tăng hơn 6,5% từ đầu năm đến nay (Ảnh: MarketWatch)

So với đa số các đồng tiền chủ chốt, đồng USD đều đang tăng giá. Chẳng hạn, tỷ giá USD/JPY trong phiên 17/11 có thời điểm đạt 114,98 Yen đổi 1 USD, cao nhất trong vòng 4 năm. Tỷ giá USD/ EUR cũng có thời điểm tăng vọt lên 1,1263 USD đổi 1 EUR, cao nhất trong vòng 16 tháng.

Từng là một trong những tâm chấn dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trên thế giới, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020 với tăng trưởng GDP quý II/2020 giảm sốc -32,9%. Trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, chính phủ Mỹ đã tung ra các gói kích thích tài khóa quy mô hàng nghìn tỷ USD, kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng “vô tiền khoáng hậu” của Fed khi đưa lãi suất cơ bản xuống mức tiệm cận 0 kèm theo chương trình nới lỏng định lượng (QE), hay còn gọi là gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/ tháng. Chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng chưa từng có đã đưa đồng USD trượt giá trong cả năm 2020.

Bước sang năm 2021, khi tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ tăng lên - hiện đạt gần 59% dân số tiêm chủng đầy đủ - và nền kinh tế bắt đầu phục hồi mạnh mẽ với dự báo tăng trưởng cả năm có thể đạt 5,6% (theo Natixis), đồng USD đang có dấu hiệu bước vào một chu kỳ tăng mới.

Nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy niềm tin đồng bạc xanh mạnh lên nằm ở lạm phát. Lạm phát tăng vọt trong những tháng qua thúc đẩy Fed đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn dự báo thông qua việc bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình QE. Dự báo của thị trường được đo lường qua công cụ FedWatch (CME Group) cho thấy nhiều khả năng Fed bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2023, thậm chí là cuối năm 2022.

Công cụ đo lường FedWatch cho thấy thị trường định giá 31,5% cơ hội Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12/2022 (Nguồn: CME Group)

Công cụ đo lường FedWatch cho thấy thị trường định giá 31,5% cơ hội Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12/2022 (Nguồn: CME Group)

Nguyên nhân thứ hai nằm ở sự phân kỳ chính sách tiền tệ của Fed so với các Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu. Trong khi Fed phát đi tín hiệu rõ ràng về chính sách tiền tệ thắt chặt, giọng điệu ôn hòa hơn từ Ngân hàng châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho đến nay chưa đủ để truyền đạt thông điệp rõ ràng nào về thời điểm các ngân hàng này bắt đầu trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường tin tưởng vào đà mạnh lên của USD là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại các quốc gia châu Âu và châu Á đang làm tăng nhu cầu dự trữ USD, loại tiền tệ dự trữ truyền thống của thế giới.

Christopher Wong, nhà phân tích ngoại hối cấp cao từ Maybank nhận định 2 động lực lớn thúc đẩy sự mạnh lên của đồng USD là lạm phát và chính sách tiền tệ: “Lạm phát là động lực thúc đẩy sự phân kỳ (chính sách tiền tệ của Fed), khiến thị trường di chuyển theo hướng có lợi cho đồng USD”. Cũng theo ông Wong, đà tăng giá của đồng bạc xanh sẽ mạnh mẽ hơn các loại tiền tệ có lợi suất thấp hơn như Yen Nhật hay Euro.

Đồng bạc xanh mạnh lên: Việt Nam có ảnh hưởng?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo không phải đồng USD mạnh lên sẽ mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, đặc biệt các nền kinh tế mới nổi.

Về tỷ giá, vai trò quan trọng của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế nói chung và hệ thống thanh toán toàn cầu nói riêng sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái của nhiều đồng tiền.

Về thương mại, đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng được định giá bằng loại tiền tệ này, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường mới nổi giảm xuống.

Về nợ công, sự tăng giá đồng USD đồng nghĩa áp lực trả nợ bằng đồng USD tại các nền kinh tế đang phát triển sẽ nặng nề hơn, gây rủi ro khủng hoảng nợ, đe dọa ổn định tài chính.

Vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng nhận định rằng việc đồng USD mạnh lên khoảng 1% tương đương nguy cơ làm giảm triển vọng tăng trưởng tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển khoảng 0,3%.

Tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, VND đã mạnh lên khoảng 1,9% so với USD. Một báo cáo mới công bố của VCBS về kinh tế vĩ mô 10 tháng đầu năm và dự báo trong các tháng cuối năm cho thấy xu hướng tiền Đồng tiếp tục mạnh lên so với USD nhờ dự trữ ngoại hối quốc gia mạnh mẽ, tiềm năng hút dòng vốn FDI lớn và chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, nhất quán từ NHNN.

Trong 10 tháng đầu năm, VND đã mạnh lên khoảng 1,9% so với USD (Nguồn: VCBS)

Trong 10 tháng đầu năm, VND đã mạnh lên khoảng 1,9% so với USD (Nguồn: VCBS)

Các chuyên gia từ VinaCapital cũng đưa ra nhận định tương tự rằng VND có xu hướng mạnh lên 2-3% trong năm nay nhờ diễn biến dòng tiền ngoại tệ tích cực cũng như việc NHNN hiện chịu áp lực đáng kể trong việc cho phép tiền Đồng tăng giá sau cam kết với Bộ Tài chính Mỹ.

Tuy tỷ giá trong ngắn hạn chưa chịu nhiều áp lực nhưng đà tăng giá của đồng USD được dự báo vẫn sẽ gây một số ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như thương mại, nợ công và đầu tư.

Về thương mại, đồng bạc xanh tăng giá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc các doanh nghiệp có khoản vay nợ USD lớn. Dù vậy, đồng USD mạnh lên sẽ là tin tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu sử dụng chủ yếu nguyên vật liệu trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao.

Về nợ công, theo Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Tài chính), trong năm 2020, nợ công bằng đồng USD chiếm 13% trong tổng cơ cấu nợ công của Việt Nam. Do vậy, sự tăng giá của đồng USD có nguy cơ gây ảnh hưởng nhất định đến các khoản nợ bằng đồng USD của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.