Gói hỗ trợ lãi suất: Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, "e rằng quá lớn"

KINH TẾ VĨ MÔ Việt nAM
20:46 - 17/11/2021
Gói hỗ trợ lãi suất: Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, "e rằng quá lớn"
0:00 / 0:00
0:00
TS. Cấn Văn Lực đề xuất gói hỗ trợ lãi suất tổng giá trị 20.000 tỷ đồng trong 2 năm, mức hỗ trợ lãi suất 3%/năm, tương ứng khoảng 667.000 tỷ đồng tín dụng tung ra nền kinh tế trong 2 năm, mỗi năm khoảng hơn 330.000 tỷ. 

Gần đây, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ về gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất ước tính giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng mỗi năm, kéo dài trong 2 năm để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về bản chất, nếu được triển khai, gói hỗ trợ lãi suất này là việc Chính phủ dùng ngân sách để hỗ trợ một phần lãi suất cho vay tại các ngân hàng, từ đó giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp và người dân. Việc thực hiện gói này sẽ kèm theo hạn chế về đối tượng hỗ trợ cho vay trong một số lĩnh vực ngành nghề cụ thể, trong đó tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt các đối tượng vay không có nợ xấu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giả sử hỗ trợ lãi suất khoảng 4% với mức hỗ trợ 20.000 tỷ mỗi năm, 40.000 tỷ đồng trong 2 năm đồng nghĩa đưa 1 triệu tỷ tín dụng vào nền kinh tế. Số tín dụng này sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng, tạo việc làm, giảm bội chi ngân sách trong những thời kỳ sau đó.

Ảnh tác giả

Báo cáo trước Quốc hội chiều 9/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đấy quay trở lại thu ngân sách và giảm tăng bội chi trong năm nay, sang năm giảm bội chi trong các năm sau, như vậy trong cả giai đoạn chúng ta vẫn đảm bảo được. Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, hai năm khoảng 40.000 tỷ. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đấy thì tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

TS CẤN VĂN LỰC: GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT QUY MÔ DƯ NỢ KHOẢNG 1 TRIỆU TỶ ĐỒNG E RẰNG QUÁ LỚN

Trao đổi với MEKONG ASEAN về đề xuất gói hỗ trợ lãi suất của Bộ Tài chính, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV bày tỏ quan điểm “không nên hỗ trợ đến mức 1 triệu tỷ”.

Theo đó, TS. Lực đề xuất cân nhắc gói hỗ trợ lãi suất tổng giá trị 20.000 tỷ trong 2 năm, mức hỗ trợ lãi suất 3%/năm, tương ứng khoảng 667.000 tỷ tín dụng tung ra nền kinh tế trong 2 năm, mỗi năm khoảng hơn 330.000 tỷ.

Về quy mô hỗ trợ, ông Lực lập luận không nên hỗ trợ đến mức 1 triệu tỷ thông qua gói hỗ trợ lãi suất là để tránh hỗ trợ đại trà và vượt quá khả năng ngân sách Nhà nước.

Về mức lãi suất hỗ trợ, ông Lực cho rằng hỗ trợ lãi suất chỉ nên cân nhắc không quá 3%, do hỗ trợ quá mức có thể dẫn đến trục lợi chính sách, doanh nghiệp vay đem đi đầu tư (vào các lĩnh vực kinh tế phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán...gây rủi ro cho nền kinh tế), hoặc đem gửi lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất như một số thực trạng đã diễn ra khi thực hiện gói hỗ trợ lãi suất hồi năm 2009.

Ảnh tác giả

“Tăng trưởng tín dụng hàng năm hiện nay vào khoảng 14%/ năm tương đương 1,4 triệu tỷ, nếu hỗ trợ lãi suất với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ thì e rằng mức độ hỗ trợ là quá lớn, dẫn đến hỗ trợ đại trà. Thêm vào đó cần tính đến khả năng của ngân sách Nhà nước”.

TS. Cấn Văn Lực

Liên quan đến quá trình triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất sắp tới, ông Lực đưa ra 5 lưu ý chính.

Một là cần cân nhắc tiền hỗ trợ huy động từ nguồn nào.

“Như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, nguồn lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia. Chúng tôi không bao giờ khuyến khích lấy từ nguồn này. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện vượt 100 tỷ USD nhưng nếu so sánh thì chỉ tương đương khoảng 3-4 tháng nhập khẩu. Chưa kể việc ta sử dụng nguồn này sẽ phát đi một tín hiệu rất không tích cực đến quốc gia khác, rằng Việt Nam đang rất khó khăn nên mới phải sử dụng tới dự trữ ngoại hối để hỗ trợ nền kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Hai là hỗ trợ phải xác định thời hạn, cụ thể ở đây là 2 năm.

Ba là hỗ trợ phải xác định đối tượng cụ thể, tiêu chí cụ thể, phải xây dựng danh mục ngành nghề hỗ trợ, chọn lọc lĩnh vực hỗ trợ rõ ràng, tránh hỗ trợ đại trà. Chẳng hạn, có thể hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời nhưng có khả năng phục hồi hoặc doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo…

Bốn là mức hỗ trợ không quá nhiều dẫn đến trục lợi chính sách. Nên cân nhắc mức hỗ trợ dưới 3%, cụ thể là 2-3% lãi suất.

Năm là công tác hậu kiểm sau khi kết thúc hỗ trợ nên kiểm toán theo mẫu, chọn lọc kiểm toán đại diện thay vì yêu cầu kiểm toán 100% các khoản vay như năm 2009.

Ảnh tác giả

"Ta phải chấp nhận mức độ sai sót nhất định trong quá trình triển khai, bởi chẳng hạn ta có 1 triệu khoản vay thì chắc chắn có sai sót lỗi này lỗi kia là chuyện bình thường. Nếu ta kiểm toán 100% như năm 2009, ta coi sai sót đó là vấn đề hình sự hóa và quy trách nhiệm hình sự thì sẽ rất khó triển khai gói do cả ngân hàng và doanh nghiệp e sợ không dám triển khai, như vậy là gói không thực hiện được”

TS. Cấn Văn Lực

Hôm 16/11/2021, tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 chủ đề Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) chủ trì tổ chức, TS. Cấn Văn Lực đã trình bày đề xuất cụ thể về gói hỗ trợ lãi suất trị giá tổng cộng 20.000 tỷ cho 2 năm và lãi suất hỗ trợ tối đa 3%, tương đương tung 667.000 tỷ tín dụng ra nền kinh tế. Theo đó, TS. Lực nhấn mạnh: "Giả sử có gói hỗ trợ lãi suất trị giá 20.000 tỷ mỗi năm kéo dài trong 2 năm, tương đương đưa 1 triệu tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế thì tôi cho rằng như thế nhiều quá, nền kinh tế hấp thu không ổn, không hết".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.