Chuyên gia lo ngại về tình hình lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý III

KINH TẾ Việt nAM
15:50 - 20/05/2022
Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022. Ảnh: Thu Trang
Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022. Ảnh: Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia đánh giá do lạm phát đã trở thành hiện tượng toàn cầu và sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022, đặc biệt là trong quý III. Do đó, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự đoán tăng trưởng 3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu.

Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thương mại toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục sau những gián đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, tuy nhiên chưa thực sự đồng đều. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng gây ra thách thức không nhỏ đến dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Đặc biệt hơn, lạm phát bắt đầu trở thành hiện tượng toàn cầu và có thể sẽ căng thẳng nhất vào quý III. Đây là những nhận định do các chuyên gia phân tích đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề "Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ", diễn ra ngày 20/5.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,6%

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay của các chuyên gia từ VEPR là thấp hơn so với năm ngoái. Thương mại toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục sau những gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, nhưng chưa thực sự đồng đều. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu cũng phục hồi mạnh mẽ nhưng sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng cũng gây ra thách thức không nhỏ.

Đặc biệt, lạm phát bắt đầu trở thành hiện tượng toàn cầu. Thị trường tài chính biến động mạnh, các đồng tiền chủ chốt biến động theo các hướng khác nhau. Nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế được thực thi ở các quốc gia, nhưng đại dịch cũng làm cho gánh nặng nợ tăng dần.

Do đó, môi trường địa kinh tế chính trị toàn cầu năm 2022 cũng được dự báo là bất ổn hơn gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trước đây, tác động của đại dịch khiến cho tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong năm nay, căng thẳng Nga-Ukraine cũng có tác động gián tiếp rất lớn với kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về rủi ro lạm phát, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, từ giữa năm đến quý III sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát, cả lạm phát chung của thế giới và tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam.

Trước đó, theo ông Thắng, Việt Nam đã có sự lỡ nhịp nhất định với kinh tế thế giới. Khi kinh tế thế giới phục hồi tương đối nhanh, thì tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam lại giảm đáng kể.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia. Ảnh: Thu Trang.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia. Ảnh: Thu Trang.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất của cả thế giới hiện nay là lạm phát. Trong đó, 60% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát bày tỏ lo ngại rủi ro lạm phát.

Chỉ số lạm phát bình quân toàn cầu năm nay dự báo khoảng 6,2%, so với năm ngoái chỉ 4,2%, vì vậy hầu hết ngân hàng trung ương các nước buộc phải tăng lãi suất có thể gây ra hệ lụy rất lớn.

Với Việt Nam, ông Lực nhận định lạm phát năm nay có thể tăng cao so với năm ngoái lên mức khoảng trên 4%. Do vậy, chuyên gia này cho rằng thế khó chính sách hiện nay là tăng lãi suất hay không tăng. Tăng lãi suất để siết dòng tiền sẽ kiểm soát được lạm phát, nhưng tăng lãi suất lại kìm chế tăng trưởng chung của nền kinh tế do vốn cho doanh nghiệp bị siết.

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2022

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022, VEPR cho rằng nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại liên quan đến rủi ro từ đại dịch, dù những diễn biến gần đây đã cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.

Bên cạnh đó, áp lực từ lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng cao cũng như rủi ro từ căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này đối với Việt Nam .

Sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách “Zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam.

Từ đó, VEPR đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý III/2022 (Nguồn: VEPR)

Dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý III/2022 (Nguồn: VEPR)

Trong ngắn hạn, VEPR đề xuất một số chính sách, trong đó đáng chú ý là đề xuất Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng. Các chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch còn có thể diễn biến phức tạp, việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ phục hồi kinh tế cần phải được ưu tiên.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, có đánh giá đầy đủ và có các biện pháp ứng phó kịp thời với vấn đề nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với chính sách “Zero Covid”, xung đột Nga - Ukraine leo thang và các rủi ro khác có thể xảy ra.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí,...đã đề xuất tại Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022- 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều hòa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ngoài ra, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp