Chuyên gia: Số tăng thu trong dự toán ngân sách 2023 quá thận trọng

NGÂN SÁCH Việt nAM
23:33 - 10/11/2022
Chuyên gia: Số tăng thu trong dự toán ngân sách 2023 quá thận trọng
0:00 / 0:00
0:00
Theo nhận định của PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 có nhiều điểm tích cực, nhưng dự báo số tăng thu đang "quá thận trọng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay" khi chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022.

Trong nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội, Việt Nam đã đặt nhiều mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng và minh bạch ngân sách. Ngày 25/10 vừa qua, Báo cáo Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ.

Theo đó, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện 2022. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP. Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán năm 2022.

Theo đó, bội chi NSNN được ước tính là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, trong đó bao gồm 430.500 tỷ đồng bội chi ngân sách trung ương và 25.000 tỷ đồng bội chi ngân sách địa phương.

Trình bày báo cáo tại Tọa đàm "Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 - Triển vọng và thách thức" do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức ngày 10/11, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công - Học viện Tài chính đã chỉ ra nhiều điểm tích cực của dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương 2023.

Theo ông Cường, dự thảo có đánh giá và thuyết minh định hướng cơ bản về thay đổi chi tiêu NSNN, có thuyết minh về thay đổi các khoản thu, chi chính. Dự thảo cũng đã có đánh giá và so sánh với ước thực hiện 2022 về thu và chi cân đối NSNN.

Bên cạnh đó, về dự toán chi cân đối NSNN, bản dự thảo đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp hơn khi giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Chi đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 2,4 điểm phần trăm và tăng 38,1% về giá trị so với dự toán năm 2022; chi thường xuyên chiếm 56,5% tổng chi NSNN, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022.

Dự toán thu năm 2023 quá thận trọng

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia tài chính công, theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, báo cáo cũng chỉ ra một số nội dung cần lưu ý. Cụ thể, dự thảo NSNN 2023 thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương.

Theo ông Cường, giải ngân đầu tư công thường xuyên chậm trễ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Do vậy, cần có những thảo luận chi tiết hơn về chi đầu tư công trong Dự toán NSNN 2023 cả ở cấp trung ương và tổng thể ở địa phương.

Bên cạnh đó, cơ cấu chi NSNN năm 2023 có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư nhưng giải pháp cho việc giải ngân là chưa rõ ràng. Ông Cường đặt vấn đề, nếu tiếp tục giải ngân kém như những năm vừa qua, thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Mặt khác, báo cáo cũng chưa đề cập đến các phương án dự phòng trong trường hợp nguồn thu NSNN có biến động mạnh. Chưa có kịch bản khác nhau cho kế hoạch tài chính NSNN 3 năm hoặc trung hạn.

Đặc biệt, theo nhận định của PGS. TS. Cường, dự báo số tăng thu năm 2023 quá thận trọng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát năm 2023 dự kiến cao hơn 5%.

Tổng thu NSNN giai đoạn 2023-2025 cũng chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN 3 năm 2020-2022, Dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, tỷ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016-2021 (trung bình 24,6 % tính theo GDP cũ và 18,5 % nếu tính theo GDP điều chỉnh).

Chuyên gia: Số tăng thu trong dự toán ngân sách 2023 quá thận trọng ảnh 3

Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, thực tế gánh nặng thuế phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm, nên chúng tôi cho rằng các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi ro vì dự báo sai.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường.

Đánh giá rủi ro vĩ mô tác động đến thu ngân sách

Từ góc độ nhà hoạch định chính sách, TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2023 tương đối thận trọng xuất phát từ yếu tố chủ quan của nhà điều hành là đảm bảo dự toán ở mức chắc chắn, an toàn.

Đặc biệt, năm 2023, bối cảnh trong nước và quốc tế sẽ phải đối mặt những khó khăn nhất định. Xung đột Nga-Ukraine, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia tác động rất lớn đến tình hình xuất nhập khẩu.

Mặt khác, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp với nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2023. Không thể đặt dự toán thu năm 2023 là lẽ tất yếu, đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho hay.

Trong khi đó, từ góc độ cơ quan lập dự toán ngân sách, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân đánh giá, thoạt nhìn về con số, dự toán thu ngân sách năm 2023 có khó hiểu. Tuy nhiên, trong lập dự toán, Bộ luôn lường trước mọi yếu tố, tính toán cặn kẽ đầy đủ thông số.

Ông Tân nhìn nhận, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và tình hình thu ngân sách đang tồn tại một số vấn đề cần có giải pháp ứng xử kịp thời. Riêng trong lĩnh vực thu ngân sách, theo tính toán, 6 tháng đầu năm tiến độ thu bình quân rơi vào khoảng 11%/tháng/dự toán nhưng từ tháng 6 trở lại đây, tiến độ giảm mạnh chỉ còn khoảng 6% thậm chí có những tháng chỉ đạt khoảng 4% so với dự án đề ra.

Điều đó cho thấy, thực tế nhiều doanh nghiệp 6 tháng đầu năm hoạt động tốt vì có cú hích từ việc mở cửa trở lại, song những tháng gần đây gặp khó khăn trong vấn đề hợp đồng, đơn hàng, chi phí sản xuất dẫn đến số thu nộp ngân sách bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, diễn biến kinh tế thế giới nhiều bất ổn, cách đây 3 tháng, các tổ chức quốc tế như World Bank, OECD đều đưa ra những kịch bản không quá lạc quan nhưng không đến nỗi bi quan về kinh tế thế giới. Trong cập nhật mới nhất tháng 10, IMF cảnh báo kinh tế thế giới đang suy giảm rõ rệt. Tác động của rủi ro kinh tế toàn cầu đến từng nền kinh tế là rất mạnh, đặc biệt với 3 khía cạnh: tăng trưởng, thương mại và việc làm.

Chuyên gia: Số tăng thu trong dự toán ngân sách 2023 quá thận trọng ảnh 4

Trong bối cảnh có nhiều biến động, chúng ta cũng nên lựa chọn một giải pháp chủ động để ứng phó được với những biến động của kinh tế thế giới. Theo đó, Chính phủ thống nhất dự toán tăng thu ngân sách an toàn, thận trọng, làm tiền đề để có thể là chủ động điều hành kinh tế vĩ mô.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước Nguyễn Minh Tân

Đại diện Bộ Tài chính lý giải thêm, dự toán thu ngân sách liên quan đến trực tiếp đến vấn đề bội chi và các hoạt động về chi tiêu của Chính phủ. "Nếu đưa dự toán thu cao hơn, phù hợp chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, trong trường hợp không đạt được, chúng ta sẽ loay hoay trong bài toán về cân đối ngân sách, dĩ nhiên khó hơn là làm bài toán ngược lại - chủ động tính toán chắc chắn và điều hành trên nền chắc chắn đó", ông Nguyễn Minh Tân cho biết.

Mặt khác, ông Tân thông tin, trong trường hợp vượt thu, Quốc hội đã có cả một cơ chế quy định rất rõ ràng về việc sử dụng nguồn vượt thu ưu tiên cho những mục tiêu quan trọng nhất theo luật ngân sách.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.