Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương bị chuyển từ kiểm soát sang cảnh cáo

OGC Ocean Group
09:50 - 25/06/2022
Ocean Group có nhiều khoản nợ khó đòi dai dẳng suốt nhiều năm.
Ocean Group có nhiều khoản nợ khó đòi dai dẳng suốt nhiều năm.
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc chuyển cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo, kể từ ngày 28/6/2022.

Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của OGC tính tới ngày 31/12/2021 âm 2.726 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định. Ngoài ra, OGC vẫn thuộc diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, một cổ phiếu công ty con của tập đoàn này là OCH (CTCP One Capital Hospitality) cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 23/6 với lý do tương tự. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tại báo cáo tài chính 2021 là âm 442 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 830 tỷ đồng. Capital Hospitality chính là chủ hãng kem Tràng Tiền.

Quyết định của các Sở giao dịch chứng khoán được đưa ra sau khi OGC và OCH công bố báo cáo tài chính kiểm toán với con số sai lệch lớn với báo cáo tự lập. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, tổng doanh thu của OGC năm 2021 đạt hơn 529 tỷ đồng, tăng gần 1% so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, điều đáng nói là con số lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, giảm gần 385 tỷ đồng so với lãi hơn 105 tỷ đồng trước kiểm toán. So với năm 2020, lợi nhuận của doanh nghiệp này đi lùi thêm 485 tỷ đồng.

Sự tăng vọt của giá vốn hàng bán (tăng 33%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng gấp 79 lần) là yếu tố chính góp phần khiến Ocean Group từ lãi sang lỗ sau kiểm toán. Trong đó, phần lớn đều xuất phát từ các khoản trích lập dự phòng với nợ xấu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Theo giải trình từ phía OGC, giá vốn hàng bán tăng 102 tỷ đồng do công ty con là Công ty cổ phần One Capital Hospitality (OCH) - chủ sở hữu kem Tràng Tiền, phải trích lập dự phòng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang với dự án Saigon Airport Plaza.

Trước đó, OCH dùng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Khách sạn Saigon Airport để đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh (nay là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long) tại Ocean Bank. Nếu Pegasus Thăng Long không thể trả được nợ, tài sản đảm bảo sẽ bị bán để thu hồi.

Về phía OCH, lỗ sau thuế của công ty này sau kiểm toán là 468 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 77 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó.

Đối với chi phí quản lý doanh nghiệp từ 4 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên 290 tỷ đồng, Ocean Group lý giải điều này liên quan tới việc thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo khả năng thu hồi và kết quả việc bán nợ trong năm 2022.

Liên quan đến các khoản phải thu khó đòi, OGC đã xin ý kiến cổ đông đưa các khoản nợ xấu 2.553 tỷ đồng ra khỏi báo cáo tài chính năm 2021 để theo dõi ngoại bảng. Lý do Ocean Group đưa ra là các khoản nợ này phát sinh từ năm 2014 và liên quan đến thời kỳ lãnh đạo cũ, pháp lý phức tạp, không có tài sản đảm bảo và khó thu hồi.

Thực tế trong báo cáo tài chính kiểm toán 2021, khoản dự phòng phải thu khó đòi ngắn hạn khó đòi của OGC đã giảm còn 1.245 tỷ đồng, so với con số 3.896 tỷ đồng hồi đầu năm. Còn dự phòng phải thu dài hạn khó đòi cũng giảm từ 531 tỷ đồng xuống còn 50 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu OGC đang giao dịch ở vùng giá 10.000 đồng. Vài phiên gần đây, mã có sự phục hồi sau khi giảm về dưới mệnh giá. Từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu của Ocean Group đã giảm hơn 50%, từ mức giá 20.600 đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp