Cổ phiếu VPBank tăng dựng đứng giữa 'chảo lửa' thị trường

VPBANK NGÂN HÀNG
10:16 - 26/02/2022
VPBank thời gian gần đây có nhiều tin tức nóng khiến nhà đầu tư quan tâm.
VPBank thời gian gần đây có nhiều tin tức nóng khiến nhà đầu tư quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Bốn phiên gần đây, cổ phiếu của VPBank liên tục tăng gần tiệm cận mức đỉnh lịch sử, thậm chí trong phiên toàn thị trường đỏ lửa vì tình hình chiến sự Nga - Ukraine nhưng mã này vẫn miệt mài leo dốc.

Sau phiên giảm mạnh (24/2) theo xu hướng chung của thị trường, nhóm ngân hàng đã có sự phục hồi trong phiên 25/2. Trong đó, VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gây chú ý khi bật tăng 3,52% lên 38.200 đồng/cp, là mã có đóng góp nhiều nhất giúp chỉ số VN-Index lấy lại được 4 điểm đã mất.

Ngoài diễn biến giá, thanh khoản của VPB trong phiên 25/2 cũng tăng đột biết với gần 49,4 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn, tương đương giá trị xấp xỉ 1.900 tỷ đồng. Đây là khối lượng giao dịch theo ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 6/2021 và gấp gần 2,8 lần thanh khoản khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất.

Đáng chú ý, từ phiên 22/2-25/2, VPB liên tục leo dốc, mặc thị trường chung bị ảnh hưởng bởi tin tức thế giới. Chỉ trong 4 phiên, mã đã tăng từ mức giá 35.500 đồng lên 38.200 đồng. Mức đỉnh của VPB là 40.400 đồng, ghi nhận vào phiên 5/7/2021.

Cổ phiếu VPB bật tăng trong thời gian gần đây do nhiều thông tin hỗ trợ đến từ phía VPBank. Mới đây nhất là việc ngân hàng mua lại phần lớn cổ phần (97,42% vốn điều lệ) Công ty chứng khoán ASC, đồng thời đổi tên thành VPBank Securities.

Diễn biến giá cổ phiếu VPB thời gian qua. TradingView

Diễn biến giá cổ phiếu VPB thời gian qua. TradingView

ASC vốn là công ty chứng khoán nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng và đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh từ năm 2016. Sau khi về tay VPBank, doanh nghiệp dự kiến chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 8.920 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng đầu thị trường. Mục tiêu của VPBank Securities trong năm 2022 là doanh thu 1.509 tỷ và lãi sau thuế 632 tỷ đồng, gấp 131 lần và 104 lần so với kết quả thực hiện của năm trước.

Việc VPBank chuẩn bị phát hành 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ mang đến động lực phát triển mới cho ngân hàng. Kế hoạch này đã được ngân hàng đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 với đối tác đang được đồn đoán là Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC, Nhật Bản). Đây cũng chính là đối tác đã mua lại 49% vốn FE Credit - công ty con của VPBank với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD (tương đương 30.000 tỷ đồng).

Liên quan đến SMBC, định chế tài chính đến từ Nhật Bản này mới đây đã chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank sau 14 năm hợp tác. Đây được coi là bước đi mở đường cho việc trở thành cổ đông chiến lược của VPBank.

Việc bán vốn FE Credit cho SMBC giúp giúp ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng, qua đó cải thiện độ an toàn vốn. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank năm 2021 đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% năm 2020.

Năm 2021, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VPBank cũng ghi nhận tăng trưởng khi lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với 2020. Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank năm 2022 có thể đạt 20.512 tỷ đồng, tăng trưởng 40,7%.

Theo MBS, khả năng sinh lợi của VPBank có thể đến từ 3 yếu tố: Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng; chi phí thấp, minh chứng bởi tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất ngành; thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần vào tăng trưởng nhờ các hợp đồng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) được đàm phán lại và hệ sinh thái phong phú các công ty con. Trong đó, nguồn vốn gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cho ngân hàng này.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đánh giá VPB là một trong 3 cổ phiếu ngân hàng tiềm năng trong dài hạn, dựa trên dự báo về việc VPBank sẽ là ngân hàng có vốn hóa tốt nhất vào năm 2023. Điều này sẽ đặc biệt quan trọng nếu Ngân hàng Nhà nước ngày càng ưu tiên các ngân hàng có vốn hóa tốt khi quyết định cấp hạn mức tín dụng hàng năm trong những năm tới.

Theo thước đo chính của nhóm phân tích VCBS là mức sinh lời điều chỉnh trên tài sản "Có" rủi ro thì VPBank cũng là một trong những nhà băng có diễn biến tốt nhất trong năm 2021, dựa trên các điều chỉnh đối với lợi nhuận ròng. Ngoài ra, VCBS còn cho rằng VPBank sẽ có cải thiện nhiều về thứ hạng COF (chi phí huy động) giai đoạn 2022-2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp