Cơn ác mộng mùa Giáng sinh của Apple

CHUỖI CUNG ỨNG apple
13:26 - 11/12/2021
Apple đã buộc phải cắt giảm sản lượng iPhone và iPad do những hạn chế liên quan đến hoạt động sản xuất. Ảnh: Hiroko Oshima
Apple đã buộc phải cắt giảm sản lượng iPhone và iPad do những hạn chế liên quan đến hoạt động sản xuất. Ảnh: Hiroko Oshima
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Apple đang trải qua những tác động từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu khi sản lượng iPhone giảm, nguồn cung không đủ cung cấp ra thị trường trong mùa lễ cuối năm.

Đầu tháng 10/2020, khi hầu hết người dân Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, các nhà máy sản xuất thiết bị Apple lại tăng công suất hoạt động. Đây là giai đoạn hầu hết các đối tác của hãng như Foxconn hay Pegatron phải làm liên tục ngày đêm để kịp đáp ứng nhu cầu mua các thiết bị Apple mùa lễ.

Nhưng năm nay lại khác: Công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone được nghỉ và không phải tăng ca. Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, việc lắp ráp iPhone, iPad bị dừng trong vài ngày do giới hạn từ chuỗi cung ứng và việc hạn chế sử dụng điện ở Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng chip điện tử

"Do số lượng linh kiện và chip có hạn, không có lý do gì nhà máy phải cho công nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ để phải trả thêm tiền cho họ", Giám đốc một chuỗi cung ứng cho biết. "Điều này chưa từng xảy ra. Tuần lễ vàng của Trung Quốc trong các năm trước luôn là thời điểm hối hả nhất khi các đơn vị tăng cường sản xuất và lắp ráp".

Apple sẽ không thể kịp giao iPad đến cho khách hàng tại nhiều quốc gia ở châu Á trong dịp Giáng sinh do hạn chế về nguồn cung. Ảnh: Nikkei Asia

Apple sẽ không thể kịp giao iPad đến cho khách hàng tại nhiều quốc gia ở châu Á trong dịp Giáng sinh do hạn chế về nguồn cung. Ảnh: Nikkei Asia

Apple ra mắt dòng sản phẩm iPhone 13 và iPad mới vào tháng 9, sớm hơn một tháng so với 2020. Tuy nhiên, công ty phải giảm sản lượng hàng triệu chiếc so với kế hoạch ban đầu, do đó có thể bỏ lỡ hàng tỷ USD trong kỳ mua sắm năm nay. Ở nhiều quốc gia, hiện đã quá muộn để người tiêu dùng có thể kịp chọn một sản phẩm Apple làm quà tặng trong dịp lễ.

Mọi năm, Apple thường khiến ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng phải ghen tị vì sức hút mua sắm hàng đầu thế giới. Hãng tung ra không dưới 200 triệu iPhone, 20 triệu Macbook, 50 triệu iPad và hơn 70 triệu AirPods mỗi năm, đa số đều được tiêu thụ hết.

Tuy nhiên, trong mùa cao điểm bán hàng năm nay, nhất là dịp lễ Giáng sinh, tập đoàn này đang thực sự đối mặt với ác mộng. Những thách thức trong thời điểm hiện nay của Apple là sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề đại dịch Covid-19 và sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung về các công ty công nghệ.

Nguồn tin từ chuỗi cung ứng tiết lộ, trong tháng 9 và tháng 10, sản lượng iPhone 13 đã giảm 20% so với kế hoạch trước đó. Điều này vẫn xảy ra dù Apple đã ưu tiên chuyển linh kiện vốn dùng để sản xuất iPad và iPhone đời cũ sang cho iPhone 13. Cùng thời gian, việc phân bổ lại các bộ phận dùng chung khiến sản lượng iPad giảm khoảng 50% so với kế hoạch, trong khi các thế hệ iPhone cũ cũng giảm 25%. Tính đến đầu tháng 12, công ty chỉ sản xuất được từ 83 triệu đến 85 triệu iPhone 13, không đạt được mục tiêu 95 triệu máy đã đặt ra.

Hiệu ứng cánh bướm khiến Apple chao đảo

Sự tắc nghẽn sản xuất không đến từ các thành phần đắt tiền như bộ vi xử lý, modem 5G hay màn hình OLED. Thay vào đó là linh kiện ngoại vi nhỏ bé và thường ít gây chú ý.

Các thành phần thiếu hụt khi sản xuất iPhone 13 là chip quản lý năng lượng từ Texas Instruments, bộ thu phát từ Nexperia và chip kết nối từ Broadcom. Những chip này không chỉ dành cho iPhone và thiết bị điện tử tiêu dùng, mà còn cho cả máy tính, trung tâm dữ liệu, thiết bị gia dụng, ôtô.

"Toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đang không thể đáp ứng nhu cầu của thế giới. Việc thời gian cung cấp nguyên liệu thô bị kéo dài khiến quá trình sản xuất bị chậm đáng kể", đại diện của Nexperia cho biết thêm.

Ngay cả khi có sẵn 99% linh kiện, nhưng nếu thiếu một hoặc hai thành phần, bạn sẽ không thể bắt đầu quá trình lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm.

Ngay cả khi có sẵn 99% linh kiện, nhưng nếu thiếu một hoặc hai thành phần, bạn sẽ không thể bắt đầu quá trình lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm.

Apple và đối tác sản xuất phải đối mặt với nhiều vấn đề thời gian qua, như nhà máy sản xuất module camera bị đóng cửa do Covid-19, hay việc Trung Quốc hạn chế sử dụng năng lượng. Sự gián đoạn Covid-19 ở Malaysia đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nhiều linh kiện và chip điện tử; các quốc gia Đông Nam Á đóng vai trò then chốt trong việc đóng gói và thử nghiệm chip - bước cuối cùng của quá trình sản xuất chip.

"Ngay cả khi có sẵn 99% linh kiện, nhưng nếu thiếu một hoặc hai thành phần, bạn sẽ không thể bắt đầu quá trình lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm", một giám đốc điều hành thuộc nhà cung cấp hàng đầu của Apple, nói.

CEO Apple Tim Cook thừa nhận những hạn chế về nguồn cung đã khiến hãng mất khoảng 6 tỷ USD. Ông dự báo số thiệt hại có thể còn tăng trong quý cuối năm do cuộc khủng hoảng chip giáng đòn mạnh vào doanh số hàng hóa.

Tương tự Apple, nhiều công ty khác đang phải gánh chịu tác động từ sự hỗn loạn do thiếu chip. Sản lượng máy chơi game Switch thiếu 20% so với kế hoạch sản xuất ban đầu của Nintendo. Xiaomi thừa nhận hạn chế về nguồn cung chip khiến họ phải cắt giảm sản xuất 20 triệu smartphone.

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy mình gặp những thách thức như vậy", Jason Chen, Chủ tịch kiêm CEO Acer, nói. "Kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành chưa đủ. Chưa ai có kinh nghiệm đối phó với vấn đề phức tạp này trước đây và không ai biết cách để xử lý sao cho đúng nhất".

Apple từ lâu luôn được các nhà cung cấp ưu tiên. Cộng thêm đội ngũ quản lý hùng hậu khắp toàn cầu, Apple được dự đoán không gặp nhiều khó khăn trước khủng hoảng chip. Nhưng thực tế, Covid-19 ở Đông Nam Á gần như khiến hãng "trở tay không kịp". Ví dụ, các nhà máy sản xuất linh kiện cho iPhone tại Việt Nam đã hoạt động sản xuất trở lại vào tháng 10, nhưng phải đối mặt với vấn đề khác: thiếu lao động. Nhiều công nhân về quê trong giai đoạn giãn cách chưa có ý định quay lại làm việc sau khi các giới hạn được dỡ bỏ.

Dự báo sắp tới

Tuy gặp khó khăn, các nhà phân tích phố Wall dự đoán Apple vẫn đạt lợi nhuận 30,8 tỷ USD trong quý cuối năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù doanh thu có thể giảm.

Ba nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - Intel, TSMC và Samsung - đã bắt tay vào kế hoạch mở rộng công suất mạnh mẽ nhất của họ, hứa hẹn chi hơn 350 tỷ USD trong những năm tới giúp giảm bớt tình trạng thiếu chip. Trong khi đó, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC cũng cam kết tăng gấp ba công suất sản xuất.

Nhiều nguồn tin cho biết, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình sản xuất iPhone trong tháng 11, 12. Apple liên tục trấn an thị trường rằng nhu cầu người mua vẫn còn và hãng chỉ đơn giản là lùi vài đơn đặt hàng do hạn chế về nguồn cung.

Đọc tiếp