Công nghệ nông nghiệp chỉ thành công khi được thị trường chấp nhận

KH&CN NÔNG NGHIỆP
10:37 - 04/10/2022
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới là gần 586 tỷ đồng.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới là gần 586 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân khi xây dựng nông thôn mới, các đề tài cần phải có tính thực tế, khả thi và được quảng bá tạo hiệu ứng lan tỏa thì mới thành công.

Khoa học công nghệ tăng 25% thu nhập cho người nông dân

Để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ Nông thôn mới, được triển khai liên tục, có tính kế thừa từ năm 2011 - 2021, qua 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2011 - 2015, kéo dài đến 2017) và Giai đoạn II (2016 - 2020, kéo dài đến 6/2022).

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), riêng trong giai đoạn II, cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới với tổng kinh phí thực hiện gần 586 tỷ đồng.

Chia sẻ về những thành tựu của Chương trình tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, chiều 3/10, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, các đề tài đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn.

Chương trình cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao.

“Trong lĩnh vực trồng trọt, Chương trình khoa học công nghệ đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm, nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất”.

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình

Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung…

Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, đây là chương trình đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng mà trung tâm là nông dân.

“Chương trình đã kết nối chặt chẽ nguồn lực giữa các ngành khoa học, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu và chuyển giao, giữa nghiên cứu đón đầu và phục vụ kịp thời trước mắt nhu cầu sôi động của xây dựng nông thôn mới, giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân”, ông Tuấn Anh đề cập.

Đề tài khoa học công nghệ cần được tiếp thị, quảng bá

Đánh giá kết quả đạt được của Chương trình khoa học công nghệ nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhìn nhận, những thành tựu đạt được đã mang lại đóng góp tích cực hiệu quả đối với nông nghiệp nông dân và nông thôn.

Chương trình bám sát 5 nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, ngành cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng của nông thôn mới giai đoạn tới như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp thông minh, giải quyết hiệu quả môi trường.

Cùng quan điểm với ông Giang, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện, đặc biệt là chịu sự tác động không nhỏ do ảnh hưởng của của dịch Covid-19, nhưng đến nay Chương trình giai đoạn 2016 - 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu được giao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, phải chú ý đến yếu tố thị trường, bởi chỉ khi thị trường chấp nhận thì đề tài mới thành công.

“Các đề tài khoa học cần có tính thực tế, khả thi và được quảng bá tạo hiệu ứng lan tỏa khi chuyển giao đến người dân. Không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Mỗi một đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng nông thôn mới không chỉ tập trung vào yếu tố kỹ thuật, mà cần phải gia tăng hàm lượng tri thức đi cùng với yếu tố kinh tế nông nghiệp, yếu tố thị trường nhằm tối ưu giá trị nông sản, giảm giá thành sản xuất cũng như chi phí vật tư đầu vào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

4 chỉ tiêu dự kiến đạt được của Chương trình khoa học công nghệ nông thôn mới 2021 - 2025:

(1) Bộ tài liệu về cơ sở khoa học, thực tiễn và giải pháp được các cơ quan chức năng tham khảo, sử dụng trong quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản.

(2) Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng.

(3) Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.

(4) Tối thiểu 25% mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Tin liên quan

Đọc tiếp