Chuyển đổi số nông nghiệp lấy lại vai trò “bà đỡ” cho hợp tác xã

số hóa HTX
15:58 - 21/12/2021
Mục tiêu năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản.
Mục tiêu năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản.
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giúp các hợp tác xã lấy lại vị trí "bà đỡ" cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Mờ nhạt vai trò "bà đỡ"

Số lượng hợp tác xã (HTX) tăng lên về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả của HTX hầu như không cải thiện. Tỷ trọng khu vực kinh tế tập thể trong GDP giảm sút liên tục kể từ khi thống kê đã giảm từ 10% (1995) xuống 8,6% (2000), 6,18% (2005), 3,99% (2010), 3,8% (2017) và 3,49% năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ xấp xỉ ½ tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế: 4,48%(1995), 5,46%(2000), 3,98% (2005), 3,32%(2010), 5,22% (2015) và 4,20% (2019).

Đây là những con số được TS. Nguyễn Minh Tú, Chuyên gia về lĩnh vực kinh tế tập thể và HTX thống kê tại hội thảo “Phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế số: quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp” ngày 20/12.

Nhận định vai trò của các HTX ngày càng mờ nhạt, TS. Nguyễn Minh Tú cho biết, lý do khiến số lượng thành viên hầu như không tăng, không phát huy chức năng lan tỏa hiệu quả và thúc đẩy phát triển do phần lớn HTX trá hình doanh nghiệp. “Việc chuyển đổi HTX theo các Luật HTX rất hình thức, không những không cải thiện hình ảnh, mà ngày càng mờ nhạt đi”, ông nói thêm.

Cho rằng sự yếu kém của các HTX kéo dài hơn 3 thập kỷ và dường như ngày càng nghiêm trọng hơn là rất bất thường, TS. Tú chỉ ra nguyên nhân đến từ việc hạn chế nhận thức về bản chất tổ chức HTX, phải “hiểu có thông thì làm mới chắc”.

Nguyên nhân sâu xa đằng sau là công tác nghiên cứu, đào tạo, giáo dục, thông tin về kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế. Sự ưu đãi, hỗ trợ, tưởng là thúc đẩy phát triển HTX, nhưng mang nặng tính tràn lan, bao cấp, kèm theo chủ nghĩa thành tích đã làm xói mòn tinh thần hợp tác, khuyến khích sự trục lợi, hình thành nhiều HTX giả.

Ảnh tác giả

“Môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh là chủ trương lớn trong nhiều thập kỷ nay, nhưng vẫn duy trì cơ chế ưu đãi, hỗ trợ còn nặng nề. Cần phải phân biệt rõ, HTX không phải là những tổ chức yếu thế”.

TS. Nguyễn Minh Tú, Chuyên gia về lĩnh vực kinh tế tập thể và HTX

Cũng tại hội thảo, ông Tú đã bày tỏ quan điểm không tán thành với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX Việt Nam về sửa Luật HTX.

Ba đề xuất chính theo kiến nghị, gồm: Bỏ giới hạn góp vốn điều lệ của thành viên, tức bỏ quy định về mức vốn góp tương đương nhau; HTX được cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên để tìm kiếm lợi nhuận; khi thành viên ra khỏi HTX, thì HTX định giá lại tài sản, kể cả tài sản không chia và trả lại thành viên phần tài sản đã đóng góp.

Ông Tú cho rằng, đề xuất nêu trên đã biến HTX thành tổ chức khác hẳn bản chất vốn có, không phù hợp với HTX theo Luật HTX 2012, trái với nhận thức chung của thế giới về HTX và chỉ phù hợp với loại hình HTX trá hình theo hình thức tên HTX nhưng ruột doanh nghiệp.

Muốn chuyển đổi số nông nghiệp, các HTX cần liên kết lại

Theo TS. Nguyễn Minh Tú, một trong những giải pháp cần kíp mà các HTX cần thực hiện ngay để lấy lại vị trí là chuyển đổi số nông nghiệp. “HTX là một thực thể thị trường, tương tự như doanh nghiệp, họ sẽ tự chuyển đổi số và chỉ các HTX có bản chất đích thực mới có khả năng đầu tư phát triển lâu bền, hiệu quả”, ông Tú nói.

Kinh tế số sẽ thúc đẩy phát triển HTX, liên hiệp các HTX nhanh hơn qua mạng, vượt qua khoảng cách lãnh thổ, kết nối các HTX ở mọi miền đất nước và với thế giới.

“Việc đầu tư phát triển kinh tế kỹ thuật số 4.0 sẽ làm tăng quy mô của HTX bằng cách kết nạp thêm thành viên. Thành viên càng nhiều, đơn đặt hàng càng lớn, HTX hoạt động càng hiệu quả và thúc đẩy đầu tư ngược lại phát triển gia tăng các dịch vụ gia tăng cho thành viên”, ông Tú nhận định.

Chuyển đổi số sẽ giúp thành lập các liên hiệp HTX với quy mô, năng suất và hiệu quả cao hơn. Qua đó, thúc đẩy hoạt động cơ cấu lại HTX thông qua hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, từ đó tăng quy mô hoạt động, chuyên môn hóa các ngành nghề và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

TS. Nguyễn Minh Tú

Nhắc đến những áp lực của HTX trong nền kinh tế số, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Tổ chức DGRV Việt Nam đặt vấn đề, làm thế nào để HTX với số lượng thành viên hạn chế, địa bàn không quá rộng lớn có thể chống chịu với áp lực cạnh tranh khốc liệt của thị trường?

Để trả lời cho câu hỏi này bà Minh lấy dẫn chứng về cách làm của Liên hiệp HTX LABAG của Đức với sự liên kết lại của 29 HTX dịch vụ nông nghiệp. Họ cùng góp vốn với với nhau thành lập Cty TNHH Raiffeisen Networld giải quyết những bài toán khó trong nền kinh tế số.

Liên hiệp HTX LABAG nước Đức

Liên hiệp HTX LABAG nước Đức

Liên hiệp LABAG đã thành lập một trang web mua sắm riêng của các HTX dịch vụ nông nghiệp và cung cấp các giải pháp trọn gói, đáng tin cậy cho các thành viên và các khách hàng khác có nhu cầu mua nguyên liệu đầu ra.

Trong trường hợp HTX của chính mình không cung cấp mặt hàng mà thành viên cần mua, họ có thể tìm mặt hàng đó ở “shop” của các HTX khác, qua đó giúp HTX đảm bảo đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của thành viên. Hỗ trợ các HTX trong việc cung cấp dịch vụ kịp thời đến các thành viên, giải pháp thanh toán đơn giản, an toàn.

Qua đó, Giám đốc Tổ chức DGRV Việt Nam chỉ ra bài học, chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư tốn kém, một HTX không thể làm được một mình, cần có sự liên kết với nhau.

Khi thị trường có các giải pháp phù hợp, các HTX nên tự lựa chọn giải pháp, lựa chọn cho mình các phần mềm phù hợp, có thể tích hợp với nhau để có một giải pháp mang tính hệ thống (ERP). Khi thị trường chưa có giải pháp chưa phù hợp, các HTX cùng hợp tác với nhau để tự tìm cho mình một giải pháp phù hợp nhất.

HTX tìm lại vị thế từ chuyển đổi số nông nghiệp

HTX tìm lại vị thế từ chuyển đổi số nông nghiệp

Các hành động cụ thể có thể giúp các HTX tìm lại vị thế từ chuyển đổi số nông nghiệp được bà Minh chỉ ra là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm tình trạng các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Cần chú trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngân hàng dữ liệu đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp để HTX có cơ hội tham gia vào nền kinh tế số. “Cần có đội ngũ cán bộ tư vấn để đồng hành cùng HTX trong công cuộc chuyển đổi số (Liên minh HTX, cán bộ các sở, ban...). HTX cần phải có sự đoàn kết với nhau để có thể tự tìm cho mình các giải pháp phù hợp tham gia vào liên hiệp HTX, góp vốn vào các doanh nghiệp IT...”, Giám đốc Tổ chức DGRV Việt Nam khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp