'Cuộc chiến' 3 tổng thầu: Ricons vượt Coteccons, Hòa Bình kém sắc nhất

Ricons Coteccons
21:06 - 11/02/2023
Một dự án do Ricons làm tổng thầu. Ảnh: Ricons
Một dự án do Ricons làm tổng thầu. Ảnh: Ricons
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022, Ricons bất ngờ “vượt mặt” hai đàn anh đi trước về hiệu quả kinh doanh khi vẫn mang về lãi ròng hơn 90 tỷ đồng dù doanh thu vẫn kém xa.

Bức tranh tài chính của 3 tổng thầu xây dựng đầu ngành là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC), CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) và CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons trong năm 2022 phần nào phản ánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 với con số lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng, mặc dù doanh thu vẫn đạt doanh thu 3.218 tỷ đồng, chỉ giảm 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài việc kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ thuần 426 tỷ đồng thì kết quả kinh doanh kém sắc của Hoà Bình còn đến từ hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này chỉ chiếm 23 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2021 lãi 19 tỷ đồng. Kết quả tiêu cực này đã phá sạch thành quả kinh doanh của Hoà Bình trong 3 quý đầu năm, khiến lợi nhuận cả năm 2022 âm 1.140 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 có lãi 97 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên, HBC ghi nhận thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2003.

Tại thời điểm cuối năm 2022, các khoản phải thu của Hoà Bình lên tới 12.110 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn cũng tăng nhẹ lên 103 tỷ đồng. Tính ra tổng các khoản phải thu chiếm tới 77% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, phải thu của khách hàng là 6.773 tỷ đồng; HBC phải dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 774 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số đầu năm.

CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD), các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2022 cũng tăng vọt lên hơn 11.000 tỷ đồng, so với 8.500 tỷ đồng hồi đầu năm. Công ty còn phát sinh khoản phải thu dài hạn 380 tỷ đồng trong khi đầu năm không có.

Tính ra tổng các khoản phải thu chiếm hơn 60% tổng tài sản CTD. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm gần 11.000 tỷ đồng; công ty phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.000 tỷ đồng, tăng thêm 400 tỷ đồng so với đầu năm.

Xét về kinh doanh thì Coteccons có phần khả quan hơn HBC nhưng vẫn lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong quý 4/2022, công ty ghi nhận 6.230 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp đôi so với cùng kỳ 2021. Biên lãi gộp rất mỏng chỉ ở mức 2,8%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 172 tỷ đồng, vẫn khả quan hơn nhiều so với con số âm gần 3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối diện mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh do doanh thu tài chính giảm 17% trong khi chi phí tài chính tăng gấp 6,3 lần; chi phí doanh nghiệp cũng duy trì ở mức cao (gần 183 tỷ đồng).

Lợi nhuận khác dù giảm 17% so với cùng kỳ xuống mức 34 tỷ đồng nhưng vẫn là cứu cánh giúp doanh nghiệp thoát lỗ quý 4. Khoản mục này chủ yếu đến từ hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn thực tế phát sinh và hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình. Kết quả, Coteccons lãi ròng gần 19 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với số lỗ hơn 63 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh. Tuy nhiên giá vốn bán hàng và chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 54 tỷ đồng. Vẫn nhờ khoản lợi nhuận khác (88 tỷ đồng), Coteccons lãi ròng gần 21 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 14% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi hoạt động.

Trong năm 2022, phần chi phí doanh nghiệp của CTD là 734 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021. Trong đó chi phí dự phòng chiếm 388 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần.

Mặc dù doanh thu không bằng Coteccons và Hòa Bình nhưng Ricons lại đạt hiệu quả kinh doanh vượt trội hơn hẳn khi vẫn có lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong quý 4/2022, doanh thu của Rincons đạt hơn 3.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021. Giá vốn cũng được điều tiết giảm nên doanh nghiệp vẫn mang về gần 33 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Mặc dù chi phí tài chính tăng vọt từ gần 2 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính cũng tăng từ 8 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng. Chi phí bán hàng không ghi nhận còn chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ, ở mức 40 tỷ đồng.

Doanh thu cả năm của Ricons ở mức 11.384 tỷ đồng, tăng 40% so với 2021; lợi nhuận sau thuế gần 91 tỷ đồng, tăng 14%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận của Ricons vượt Coteccons.

Mặc dù các khoản phải thu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản với hơn 5.000 tỷ đồng (63%) nhưng công ty chỉ phải dự phòng khó đòi gần 20 tỷ đồng. Các con số này không có nhiều thay đổi so với năm 2021.

Có một điểm chung giữa 3 nhà thầu xây dựng là nợ phải trả và lãi vay tăng khá mạnh trong năm 2022. Xây dựng Hòa Bình có nợ phải trả chiếm 14.282 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn và vay nợ. Tổng cộng, HBC đang vay nợ hơn 6.100 tỷ đồng và phải trả hơn 500 tỷ đồng lãi vay.

Nợ phải trả của Coteccons là 10.750 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 57% tổng nguồn vốn. Vay nợ ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 1,7 tỷ đồng lên 553 tỷ đồng. CTD còn phát sinh khoản vay dài hạn 524 tỷ đồng. Đây chủ yếu là phần nợ từ lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng có ngày đáo hạn vào tháng 1/2025, lãi suất cố định 9,5%/năm. Trong năm 2022, công ty phải chịu chi phí lãi vay 79 tỷ đồng, trong khi năm 2022 chỉ số tài chính này chỉ là hơn 1 tỷ đồng.

Với Ricons, nợ phải trả là gần 5.800 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn tăng từ 240 tỷ đồng lên 754 tỷ đồng. Chi phí lãi vay của công ty tăng vọt từ hơn 1 tỷ đồng lên gần 24 tỷ đồng.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Ricons từng là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái Coteccons", được thành lập dưới khi ông Nguyễn Bá Dương còn là Chủ tịch Coteccons. Sau cuộc chiến thượng tầng tại Coteccons, ông Dương từ nhiệm, Ricons cũng tuyên bố độc lập, xây dựng hệ sinh thái riêng.

Sau khi Coteccons (từng đứng vị trí lớn nhất trong các doanh nghiệp xây dựng dân dụng) chia tách, lĩnh vực xây dựng dân dụng ghi nhận cuộc đua thị phần mới khi thị trường phân mảnh hơn và nhiều doanh nghiệp tiền thân từ hệ thống Coteccons (Ricons, Central, Newetons…) mạnh mẽ gia tăng quy mô hoạt động và đấu thầu các dự án. Từ đây, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, thể hiện rõ nhất ở việc biên lợi nhuận của các doanh nghiệp rất mỏng.

Hiện nay, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu hay gói thầu khác nhau. Điều này nhằm tận dụng các ưu thế đa dạng của các nhà thầu và tạo ra môi trường thúc ép lẫn nhau khi nhà thầu đi sau về tiến độ và hiệu quả thi công có thể bị loại khỏi dự án, gặp khó khăn trong đấu thầu các dự án tương lai.

Xu hướng này một mặt sẽ giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng lại càng bị ảnh hưởng.

Tin liên quan

Đọc tiếp