Đảm bảo đủ ngân sách thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
17:00 - 23/10/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ khẳng định dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 1/7/2024.

Chiều 23/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2023 và dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026.

Đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương

Về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Bộ trưởng Tài chính cho hay, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 80.000 tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 15,3% GDP.

Dự toán năm 2024 nói trên được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như năm 2023. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng thông tin.

Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách trung ương các năm thì tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng, nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng. Tổng cộng là 562.000 tỷ đồng.

"Với dự kiến thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của trung ương từ ngày 1/7/2024", Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Theo đó, dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương khoảng 48.000 - 49.000 tỷ đồng.

Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19.000 tỷ đồng) thì tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 khoảng hơn 2,1 triệu tỷ đồng.

Từ đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quyết định việc thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Xây dựng kế hoạch 3 năm phù hợp với dự báo tăng trưởng

Báo cáo về Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026 được xây dựng với dự kiến tình hình kinh tế - xã hội từng bước cải thiện, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Dự toán thu ngân sách Nhà nước được xây dựng ở mức tích cực, phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế. Dự toán chi ngân sách Nhà nước xây dựng chặt chẽ, theo quy định của pháp luật, ưu tiên bố trí chi đầu tư, triệt để tiết kiệm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo nghĩa vụ chi trả nợ lãi, viện trợ, dự phòng, dự trữ quốc gia.

Cũng tại báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.

Bổ sung nguồn thu trước áp lực chi ngân sách cải cách tiền lương

Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý một số vấn đề. Cụ thể, tình hình thu NSNN ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn. Thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán, các địa phương cần phấn đấu hoàn thành dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh lưu ý, để đảm bảo thực hiện cải cách trong dài hạn, đề nghị Chính phủ đánh giá so sánh tổng thể các chính sách cải cách và cân đối nguồn lực trong các giai đoạn từ 2024 - 2030 đảm bảo khả thi và thực hiện lâu dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để đảm bảo thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cần đảm bảo tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động. Cạnh đó, các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, phù hợp để bổ sung nguồn thu, vì áp lực chi ngân sách khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng cao.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị, việc thực hiện cải cách tiền lương cần đồng bộ, gắn với tinh giản biên chế, đề án vị trí việc làm của hệ thống chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.