Đảm bảo quản lý giá thiết bị y tế, giá kit xét nghiệm

QUỐC HỘI Y Tế
16:45 - 10/11/2021
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định Bộ đã có văn bản nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về hàng loạt các vấn đề xung quanh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, chiến lược phòng chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới.

Một loạt câu hỏi đặc biệt nóng đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra cho lần đầu tiên đăng đàn trước một phiên chất vấn Nghị trường của Bộ trưởng Nguyễn Thành Long như việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19; trách nhiệm của ngành y trong vấn đề quản lý thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế...

Cần chuẩn bị hệ thống y tế dự phòng

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi về giải pháp cụ thể của Bộ Y tế để triển khai hiệu quả nhất Nghị quyết 128 trên thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thành Long, COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Nghị quyết 128 được ban hành sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm chống dịch của các nước cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đề ra những phương án chống dịch hiệu quả nhất.

Về giải pháp thực hiện, Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương cần có sự chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh). Ngoài ra phải nhìn vào tiến độ tiêm chủng của từng địa phương cũng như năng lực y tế của từng địa phương để ban hành các chính sách sao cho phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Nhấn mạnh, việc chuẩn bị cơ sở vật chất đối với y tế là hết sức quan trọng, Bộ trưởng nói: "Mỗi địa phương cần chuẩn bị hệ thống y tế, hạ tầng, y tế cơ sở, cũng như thành lập các trung tâm hồi sức để kịp thời đối phó với dịch bệnh, không để vượt quá tầm kiểm soát."

Về giải pháp cho việc cách ly các trường hợp nghi nhiễm đối với các địa phương chưa có tiêm phòng vaccine, theo Bộ trưởng Y tế, cần cố gắng để thực hiện cách ly linh hoạt, đảm bảo tính an toàn, không cách ly tràn lan gây mất nguồn nhân lực và lãng phí tài sản. Đối với những khu tập trung đông người ở mà tiến độ tiêm chủng chưa cao, phải có hướng dẫn cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà cụ thể với từng trường hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ ra, hiện nay có nhiều địa phương vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác đối với công tác phòng, chống dịch. Vì thế Bộ trưởng yêu cầu cần phải có sự đề phòng, phòng tránh với dịch bệnh, không được lơ là, thiếu cảnh giác. Luôn thực hiện 5K đầy đủ ở những nơi tập trung đông người, nơi công cộng.

Chiến lược vaccine trong thời gian tới

Liên quan đến chiến lược Vaccine, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, đoàn Hà Nội đặt câu hỏi về việc xây dựng, triển khai chiến lược vaccine COVID-19. Cùng chia sẻ vấn đề này, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian nào vaccine Việt Nam được phê duyệt và đưa vào sử dụng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Vaccine là vấn đề người dân và cử tri quan tâm. Chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn do nhiều nguyên nhân. Việt Nam tiếp cận vaccine từ tháng 9/2020 khi làm việc và thỏa thuận với COVAX. 2 tháng sau chúng ta đã có thỏa thuận với AstraZeneca cung ứng 30 triệu liều. Sau đó thúc đẩy nghiên cứu sản xuất trong nước, nhưng theo Bộ trưởng yếu tố khách quan là khan hiếm vaccine toàn cầu suốt năm qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu nhiều khó khó khăn trong việc mua vaccine, khi cam kết thoả thuận mua phải vượt qua rào cản về pháp luật, chấp nhận tất cả điều kiện của bên bán mà không được thương thuyết. Chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro vì giao hàng chậm, không được trả lại do vaccine không đảm bảo hay việc giao hàng không đúng thời hạn.

Tình trạng khan hiếm vaccine vẫn đang xảy ra, các nước phát triển mua với số lượng lớn, gây ra sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine trong quy mô toàn cầu; tâm lý sử dụng vaccine chưa ổn định... Vấn đề này Bộ Y tế nhận trách nhiệm và đã triển khai các biện pháp bảo đảm vắc xin năm 2021 và năm 2022.

Trả lời câu hỏi về vaccine Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long cho biết, về mặt chuyên môn, an toàn phải đảm bảo tối đa. Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng Y đức, cấp phép để làm việc với nhà sản xuất để đảm bảo an toàn. Bộ Y tế hy vọng sớm có vaccine từ Việt Nam để chủ động nguồn cung. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long

Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để khám sàng lọc cho người dân

Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) về việc khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật và cơ chế tài chính cho mô hình trung tâm y tế huyện, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ y tế đang triển khai thực hiện các biện pháp đối với vấn đề nâng cao sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng cho biết, theo luật Bảo hiểm Y tế, cho đến thời điểm hiện nay thì người dân chưa được sử dụng ngân sách của Bảo hiểm để khám sàng lọc, phát hiện bệnh tật sớm để có thể thực hiện chăm sóc điều trị một cách tốt hơn. Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Y tế sẽ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để đảm bảo mỗi một người dân mỗi năm có thể khám sàng lọc sức khỏe ít nhất một lần.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội sửa đổi luật Bảo hiểm Y tế, bổ sung việc sử dụng ngân sách của Bảo hiểm trong vấn đề khám sức khỏe sàng lọc đối với người dân để quản lý được sớm nhất, tốt nhất, đặc biệt là với các căn bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị sử dụng ngân sách của Nhà nước, địa phương để tổ chức các chương trình khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Sơn về giải pháp cơ chế tài chính, thanh quyết toán cho mô hình trung tâm y tế huyện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đồng tình rằng việc chi tiêu đối với các trung tâm y tế tuyến xã, huyện đang ở mức độ rất thấp mặc dù 75% tổng số đợt khám chữa bệnh trên cả nước là được thực hiện tại các tuyến huyện, xã.

"Hiện 75% khám chữa bệnh được thực hiện tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã nhưng chỉ tiêu chỉ được 34%, đặc biệt tuyến xã chỉ 2%. Bộ sẽ tiến hành rà soát tổng thể, bảo đảm đổi mới cơ chế tài chính cho cơ sở y tế tuyến huyện, đề xuất giải pháp làm sao bảo đảm cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế để bảo đảm chức năng khám chữa bệnh và y tế dự phòng theo hình thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ; cơ chế giao gói dịch vụ y tế dự phòng hoặc theo cơ chế của bảo hiểm y tế," Bộ trưởng cho biết.

Chắc chắn giá xét nghiệm sẽ được điều chỉnh

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cử tri rất bức xúc trước tình trạng loạn giá xét nghiệm, có nơi thu đến 450.000 đồng/lần test nhanh. Đại biểu đặt vấn đề "có lợi ích nhóm hay không? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ vấn đề này, trong đó có trách nhiệm quản lý ngành của Bộ trưởng."

Chia sẻ quan điểm của đại biểu Hoà, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế vì sao Việt Nam đã sản xuất được kit test xét nghiệm COVID-19 nhưng vẫn phải nhập của nước ngoài?

Trả lời nội dung chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước.

Bộ trưởng cho biết, giá sinh phẩm khác nhau qua từng thời điểm do cung - cầu, nếu những thời điểm nhu cầu cao, nguồn cung khan hiếm thì giá sẽ lên cao. Bộ trưởng nhắc lại thời điểm đầu năm 2020, khi mặt hàng khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm, giá bị đẩy lên cao, một số quốc gia cũng xảy ra tình trạng tăng mua các mặt hàng này để phục vụ phòng, chống dịch.

Từ phía trách nhiệm quản lý của Bộ, ông Nguyễn Thanh Long cho biết đã từng bước minh bạch việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, từ đó làm cơ sở cho công tác đấu thầu, mua sắm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các sinh phẩm để tăng tính cạnh tranh, hạ giá thành.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về giá xét nghiệm Covid-19

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về giá xét nghiệm Covid-19

Thừa nhận có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các cơ sở tư nhân, theo Bộ trưởng, trước ngày 1/7/2021, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau ngày 1/7, Bộ Y tế dự báo việc xét nghiệm sẽ nhiều hơn. Vì thế, Bộ đã yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng thực thanh thực chi, khi người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được thu theo đúng giá đầu vào.

"Đây là vấn đề mà chúng tôi đã nhận ra thời gian qua", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Nói rõ hơn về hiện tượng thu chênh lệch giá, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9/2021, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu "thực thanh thực chi" theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do tập trung vào chống dịch mà lơ là chuyện giá cả.

"Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định Bộ đã có văn bản và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế, vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022.

Tham gia tranh luận lại với Bộ trưởng Long, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đã có sự buông lỏng trong quản lý giá xét nghiệm COVID-19. Theo đại biểu Hoà, giá xét nghiệm mỗi nơi một kiểu, có sự chênh lệch lớn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý, người dân phàn nàn về tình trạng này, báo chí phản ánh nhiều.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp dẫn chứng về việc bản thân test nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất với mức phí 440.000 đồng/lần. Theo ông, đây chỉ là test ở sân bay mà giá đã cao gấp nhiều lần, như vậy thì người dân rất thiệt thòi. Vì thế, đại biểu đề nghị Bộ Y tế có giải pháp để kiểm tra, giám sát các đơn vị thu chênh lệch giá xét nghiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảm ơn ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa nêu và sẽ tiếp thu để tăng cường kiểm tra, giám sát. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác này.

"Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm trong việc này nên đã triển khai quyết liệt thời gian qua, đưa sinh phẩm vào diện quản lý giá, từng bước điều chỉnh, hạ giá xét nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về việc sử dụng kit test do Việt Nam sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam là 1 trong 4 nước đã phân lập và giải trình tự gene thành công với virus. Tháng 4, 5 vừa qua, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp với một số doanh nghiệp để sản xuất test RT-PCR.

Căn cứ diễn biến dịch và chiến lược xét nghiệm, Bộ Y tế đã hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên. Về xét nghiệm kháng thể, Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng để chủ động nguồn cung loại test này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ y tế cũng đưa ra các giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp