Đại biểu Lê Thanh Vân: Sớm cụ thể hóa quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:27 - 08/11/2021
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu trên Nghị trường
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu trên Nghị trường
0:00 / 0:00
0:00
Tại Nghị trường ngày 8/11, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

Cần có giai đoạn phục hồi để chú trọng phát triển

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn hiện nay và đề nghị một "sự chia sẻ".

“Chúng ta cần chia sẻ với Chính phủ, bởi vì Chính phủ do Quốc hội Khóa XIV kiện toàn và chuyển tiếp sang khóa XV – là một khóa Chính phủ vừa mới “ra đời” thì đã gặp phải làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19. Đợt dịch này chưa từng có trong lịch sử, phá hủy rất nhiều quan hệ kinh tế - xã hội. Chúng ta đã phải tập trung nhiều nguồn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc, do vậy đã đạt được những kết quả nhất định," ông Vân nói.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân cũng lưu ý về đánh giá của Chính phủ về dự kiến tăng trưởng 3 - 3,5% trong năm 2021: "Tôi e rằng, chỉ tiêu này khó có thể đạt được. Bởi vì, tác động của đợt dịch thứ tư là rất lớn. Đây là vấn đề Chính phủ cần đánh giá thận trọng.”

Về chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 với kỳ vọng đạt 6 - 6,5%, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, Chính phủ cũng nên đánh giá cẩn trọng hơn, bởi vì theo ông Vân "từ nay đến tháng 6/2022, chúng ta phải có giai đoạn phục hồi, từ đó mới phát triển được."

Vấn đề thứ hai mà ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh, đó là, qua đại dịch cũng bộc lộ chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi như ý kiến các ĐBQH đã nêu trước đó.

ĐBQH Lê Thanh Vân chỉ ra rằng: “Từ nhận thức đến hành vi không chuẩn, dẫn đến ứng xử không đúng về pháp luật, không đúng về đạo lý với nhân dân. Tôi đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương mà có cán bộ sai phạm phải xử lý thật nghiêm, công khai để người dân biết chúng ta làm nghiêm”.

Đề xuất 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Từ những phân tích trên, trên cơ sở đề nghị Chính phủ nên tách riêng nhiệm vụ và giải pháp, đại biểu Vân đề xuất 5 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp.

Thứ hai, tập trung rà soát và sửa đổi thể chế: "Đại biểu rất hoan nghênh đồng tình khi Chính phủ đang chuẩn bị dự án một luật sửa nhiều luật," ông Vân nói.

Thứ ba, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, là ứng dụng công nghệ mới để giảm tải bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đại biểu lấy ví dụ vừa rồi, chúng ta đã ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng công nghệ, nhưng lại có nhiều app (ứng dụng) khác nhau. Đây là điểm hạn chế, tới đây, Chính phủ cần tập trung ứng dụng công nghệ cao vào quản lý.

Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công.

Thứ năm, ông Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận Hội nghị trung ương khóa 13, về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

“Đặc biệt, Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có như vậy mới phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp