Đặt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024

Nhà ở Việt nAM
06:50 - 23/02/2024
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trong năm 2024, do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22/2.

Diện tích đất quy hoạch nhà ở xã hội đã tăng hơn 5.000 ha

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến nay, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031 ha so với năm 2020.

Kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.250 căn.

Trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với quy mô 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.896 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265.486 căn.

"Việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025” Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Đối với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay mới có một chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.

Đối với việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỷ đồng với 26.268 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu được giao, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024. Các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc..

Phấn đấu trong năm 2024, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện 10.000 căn hộ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện 2.000 căn hộ; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai đề án.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cần thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai đề án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc như: Nhiều địa phương chậm triển khai đề án, chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp; doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội khó tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Xây dựng.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Xây dựng.

Từ góc độ doanh nghiệp thực tế đang triển khai các dự án nhà ở xã hội với số lượng trên 10.000 căn, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, bởi số thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội hiện còn nhiều hơn so với nhà ở thương mại.

“Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án nhà ở xã hội cần được thực hiện nhanh, song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu; các thủ tục khác về xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định số lượng tiền miễn giảm, thủ tục trình sở xây dựng địa phương xét duyệt đối tượng cần được xem xét, rút ngắn”, ông Phạm Thiếu Hoa nêu cụ thể.

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera cho hay, hưởng ứng Đề án, Viglacera đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoàn thành 8.000 căn hộ. Trong số này, 5.000 căn đã đưa vào kinh doanh, tồn kho 3.000 căn do vướng một số quy định về xác định đối tượng, tức chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua nhà.

"Đây đang là vướng mắc lớn, kiến nghị các bộ, ngành có điều chỉnh các nghị định, thông tư hướng dẫn, cho phép địa phương mở đối tượng thuê, mua”, ông Ngọc Anh nêu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương phải coi việc triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

"Bởi đây là vấn đề đảm bảo an sinh, đời sống ấm no, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, để từ đó có những cách làm sáng tạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh việc thực hiện," Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

"Việc thực hiện đề án là bước khởi đầu, thí điểm, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Đây là nhiệm vụ chính trị, huy động sự tham gia hưởng ứng của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp góp phần bảo đảm an sinh, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân"

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát kỹ, áp dụng Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua và hệ thống văn bản pháp luật liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để triển khai dự án nhà ở xã hội. Các khu nhà ở xã hội phải gắn liền với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân khi đến ở.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp huy động nguồn đất sẵn có, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương. Trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.