Đầu tư công khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc

ĐẦU TƯ CÔNG ĐBSCL
15:00 - 10/08/2023
Đầu tư công khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc
0:00 / 0:00
0:00
7 tháng đầu năm 2023, một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực đẩy vốn với tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt trên 50%.

Theo báo cáo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng kế hoạch năm 2023 khoảng 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 đạt 34,47%. Trong đó vốn trong nước đạt 38,53%, vốn nước ngoài đạt 21,47%.

Bộ Tài chính cũng cho biết, có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30% ), Long An (54,29%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (63,38%), Ngân hàng chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).

Đáng chú ý, nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, đạt trên 50% bao gồm Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.

Với Đồng Tháp, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh, kể cả vốn năm 2022 chuyển sang là trên 6.200 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023, giải ngân khoảng 3.485 tỷ đồng, đạt 58,29% kế hoạch.

Theo đánh giá của các địa phương, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền địa phương và luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong phát triển kinh tế của các địa phương này.

UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối, những người được giao phụ trách trực tiếp cùng với nhà đầu tư, nhà thầu hỗ trợ về cát, phương tiện, lao động và giải phóng mặt bằng nên cũng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ.

Tại tỉnh Tiền Giang, theo đánh giá của tỉnh, do chủ động triển khai các bước chuẩn bị đầu tư từ sớm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương nên việc thi công thuận lợi và nhanh chóng, tiến độ tăng nhanh trong quý 2/2023.

Tại Bến Tre, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra đôn đốc, gỡ khó nhiều vấn đề ách tắc trong quá trình triển khai nên sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã giao và 12/13 địa phương vùng ĐBSCL (trừ TP Cần Thơ) đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 9.741 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023, Trung ương đã giao hơn 2.413 tỷ đồng, đến nay các địa phương trong vùng đã phân bổ 99,5% kế hoạch được giao. Còn 2 tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp chưa phân bổ chi tiết khoảng 10,21 tỷ đồng. Năm 2023, các địa phương đã bố trí khoảng hơn 2.383 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân vốn năm 2022, tính đến ngày 31/7/2023, vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 83% kế hoạch, cao hơn bình quân chung của cả nước là 76,1%; vốn ngân sách địa phương đã giải ngân được 99%.

Về kết quả giải ngân 7 tháng năm 2023, tính đến ngày 31/7, các địa phương đã giải ngân được 44% nguồn vốn ngân sách trung ương, trong đó cao nhất là Hậu Giang (88%), Vĩnh Long (73%), Sóc Trăng (62%), Bến Tre (62%), Tiền Giang (62%).

Mạng lưới cao tốc kích hoạt phát triển ĐBSCL

Theo số liệu Mekong ASEAN thống kê từ báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân toàn khu vực quý 2/2023 đạt 5,47%.

Tuy nhiên, thực tế, ĐBSCL có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, chiếm 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cả nước. Đây là một trong những "điểm yếu" cản trở phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư của vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư thông qua các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Theo ước tính từ các chuyên gia, chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực phía Nam, sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới gần 25%. Do đó, nếu mạng lưới 6 tuyến cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành đúng kế hoạch, khu vực sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế.

Với kỳ vọng trên, đầu tư công đang được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với từng tỉnh cũng như cả vùng đất Chín Rồng.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.