Để kiềm chế lạm phát, Fed có thể phải trả giá bằng đà tăng của thị trường chứng khoán

FED THẾ GIỚI
06:15 - 17/12/2021
Để kiềm chế lạm phát, Fed có thể phải trả giá bằng đà tăng của thị trường chứng khoán
0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi bùng nổ, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lý do để cảm thấy áp lực.

Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, nhưng chưa phải lúc Fed thở phào

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã giảm xuống 4,2% trong tháng 11 vừa qua, giảm mạnh so với mức kỷ lục 14,8% hồi tháng 4/2020 và là mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch đến nay. Cũng trong tháng 11, thu nhập bình quân hàng tuần của người lao động Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng tiền lương mạnh nhất trong cả thế kỷ. Một số dự báo cho rằng tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến đạt gần 6% trong năm 2021.

IHS Markit hồi đầu tháng 12 vừa điều chỉnh tăng dự báo GDP của Mỹ trong năm 2021 lên 5,7% (Nguồn: IHS Markit)

IHS Markit hồi đầu tháng 12 vừa điều chỉnh tăng dự báo GDP của Mỹ trong năm 2021 lên 5,7% (Nguồn: IHS Markit)

Nhưng những dữ liệu kinh tế tuyệt vời không đủ để Fed thở phào nhẹ nhõm.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khảo sát của Đại học Michigan vào tháng 12 đã giảm mạnh 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Robert J. Shapiro, cố vấn kinh tế dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama nhận định: “Tôi nghĩ người dân sẽ không thực sự 'tiêu hóa' những tin tốt lành về sự phục hồi kinh tế chừng nào họ bớt lo lắng về đại dịch.”

Yếu tố đáng lo ngại hơn, theo ông Robert J. Shapiro là lạm phát. Mặc dù đà phục hồi kinh tế tại Mỹ được thể hiện một cách vô cùng mạnh mẽ qua những dữ liệu kinh tế, nhưng lạm phát cũng được cảm nhận mạnh mẽ không kém ở cả 2 mặt hàng mà mọi người dân Mỹ tiêu thụ mỗi ngày: xăng dầu và thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 đã tăng vọt lên 6,8%, mức cao nhất trong vòng 39 năm.

Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã lên mức 6,8% trong tháng 11 (đường màu xanh) trong khi Fed vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 (đường màu đỏ) (Nguồn: FRED)

Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã lên mức 6,8% trong tháng 11 (đường màu xanh) trong khi Fed vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 (đường màu đỏ) (Nguồn: FRED)

Fed không chỉ có nhiệm vụ kiểm soát mức lạm phát cao kỷ lục, mà còn phải cẩn trọng trong cuộc chiến chống lạm phát trước mắt để không làm gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường lao động. Bởi lạm phát hiện tại không phải là kết quả của sự phục hồi quá nóng do cung tiền thúc đẩy hay tiền lương tăng vọt ngoài tầm kiểm soát, mà chủ yếu đến từ các nút thắt trong chuỗi cung ứng, theo nhận định của bà Elise Gould, nhà kinh tế cấp cao tại Economic Policy Institute.

Ảnh tác giả

Fed đang sai lầm?
“Sẽ là một sai lầm nếu quyết định của Fed làm chậm đà phục hồi kinh tế. Đà phục hồi giảm tốc quá sớm có khả năng làm tổn thương hàng triệu người lao động chưa thể quay lại thị trường việc làm”.

Bà Elise Gould, nhà kinh tế cấp cao tại Economic Policy Institute

Dựa theo thông điệp mà Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đưa ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 15/12, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ sớm kết thúc gói mua tài sản vào khoảng tháng 3/2022 trước khi tiến hành tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, 3 lần tăng vào năm 2023 và 2 lần tăng nữa vào cuối năm 2024.

So với thông điệp trước đó của Fed rằng sẽ chỉ có 1 đợt nâng lãi suất trong năm 2022 và 1 đợt nữa trong năm 2023, lộ trình siết chính sách tiền tệ mới được đưa ra thể hiện quan điểm tương đối “diều hâu”.

Nhưng nó đồng thuận với những gì Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận gần đây, rằng đã đến lúc ngưng dùng từ “nhất thời” để nói về lạm phát.

Có thể phải chấp nhận “tiệc tàn” trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên tăng rực rỡ hôm 15/12 bất chấp thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ từ Fed.

Vài tiếng sau khi Chủ tịch Powell tuyên bố thông điệp tăng tốc độ thu hẹp gói mua tài sản, tiến tới cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2022, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tiến 383,25 điểm lên 35.927,43 điểm, đảo ngược mức giảm trong 2 phiên đầu tuần. S&P 500 tăng 1,63% lên 4.709,85 điểm trong khi Nasdaq Composite tăng 2,15%, chốt phiên ở 15.565,58 điểm.

Chứng khoán Mỹ thăng hoa sau tuyên bố của Fed về 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022 (Nguồn: Bloomberg, FT)

Chứng khoán Mỹ thăng hoa sau tuyên bố của Fed về 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022 (Nguồn: Bloomberg, FT)

“Thị trường chứng khoán đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Dù sao thì mọi thứ diễn ra đúng như nhà đầu tư dự báo”, ông Jim Caron, chiến lược gia trưởng tại nhà quản lý quỹ Morgan Stanley Investment Management nhận định.

Ông Julian Brigden, chuyên gia kinh tế trưởng tại Macro Intelligence Partners thì cho rằng: “Chủ tịch Powell đã làm tốt việc giải thích với thị trường rằng thế giới đã thay đổi như thế nào, và điều đó làm cho dự báo của Fed dựa trên các giả định trở nên không chính xác ra sao. Giờ đây, Fed sẽ tập trung giải quyết vấn đề lạm phát và chữa lành thị trường lao động”.

Nhưng ông Brigden cảnh báo có một điều mà thị trường không dự báo được từ thông điệp mà ông Powell đưa ra mới đây, là việc Fed cần thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức nào để đưa lạm phát về mức mục tiêu như trong bản tóm tắt dự báo kinh tế được Fed công bố cùng ngày.

Bản tóm tắt dự báo kinh tế mà Fed công bố có 2 chỉ tiêu quan trọng đáng chú ý.

Một là thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - sẽ được khống chế xuống mức 2,6% vào năm 2022 trước khi ổn định về mức 2,3% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024, tức tiệm cận mức mục tiêu 2,0%. Hiện tại, chỉ số PCE của Mỹ đang ở mức 5,3%.

Hai là tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2022 và duy trì trong 2 năm sau đó, tương đương mức thấp nhất trong khoảng nửa thế kỷ.

Dự báo đầy tham vọng về chỉ số PCE trong Bản tóm tắt dự báo kinh tế mà Fed vừa công bố hôm 15/12 có thể đòi hỏi phải thắt chặt các điều kiện tài chính vượt xa những gì thị trường kỳ vọng (Nguồn: Federal Reserve)

Dự báo đầy tham vọng về chỉ số PCE trong Bản tóm tắt dự báo kinh tế mà Fed vừa công bố hôm 15/12 có thể đòi hỏi phải thắt chặt các điều kiện tài chính vượt xa những gì thị trường kỳ vọng (Nguồn: Federal Reserve)

Mục tiêu về thị trường lao động có thể được đáp ứng khi nền kinh tế Mỹ trên đà phục hồi mạnh mẽ. Nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát như lộ trình Fed đặt ra là không dễ dàng.

Ngay cả với sự thay đổi lập trường “diều hâu” mới đây, chính sách tiền tệ của Fed vẫn ở mức lỏng lẻo. Bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới tiếp tục mở rộng đến ít nhất tháng 3/2022 do thanh khoản vẫn tăng theo gói mua tài sản, chỉ là tốc độ tăng chậm hơn.

Kể cả khi Fed hoàn tất 3 lần tăng lãi suất với mức tăng 0,25%/ lần như dự báo trong năm 2022, lãi suất cơ bản vẫn sẽ tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại (0,75-1,0%). Do lạm phát thực tế rất lớn và lãi suất còn kém xa tỷ lệ lạm phát, có thể hiểu lãi suất thực tế là âm.

Trong tình huống đó, các công cụ điều chỉnh điều kiện thị trường tài chính mà Fed có thể sử dụng để kiểm soát lạm phát bên cạnh lãi suất là tỷ giá hối đoái, lợi suất kho bạc ngắn hạn và dài hạn…, và một công cụ quan trọng không kém là thị trường tài sản, bao gồm chứng khoán.

Ảnh tác giả

“Một sự điều chỉnh đáng kể về giá cổ phiếu có thể phù hợp với xu hướng thắt chặt thị trường tài chính để đưa lạm phát chậm lại”.

Julian Brigden, chuyên gia kinh tế trưởng tại Macro Intelligence Partners

Và khi nhà đầu tư nhận ra rằng Fed có thể phải hành động nhiều hơn để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, thật khó để dự báo diễn biến của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp