Thông điệp của Fed đặt áp lực lớn lên các ngân hàng trung ương toàn cầu

TÀI CHÍNH Quốc Tế
14:36 - 16/12/2021
Thông điệp của Fed đặt áp lực lớn lên các ngân hàng trung ương toàn cầu
0:00 / 0:00
0:00
Áp lực điều hành chính sách tiền tệ đang tăng vọt với các ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu khi lạm phát tiếp tục tăng nóng, chuỗi cung ứng chưa thể phục hồi trong ngắn hạn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp thắt chính sách tiền tệ.

Fed phát tín hiệu siết mạnh chân phanh

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang giảm xuống trong khi lạm phát tăng nóng nhất trong gần 4 thập kỷ.

Kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed, Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố các yếu tố thị trường hiện tại đã sẵn sàng cho việc Fed siết chính sách tiền tệ thông qua kết thúc gói nới lỏng định lượng (QE), hay còn gọi là gói mua tài sản sớm hơn dự kiến, tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm 2022.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 11 đã giảm xuống 4,2%, giảm mạnh từ mức đỉnh vào đầu năm nay (Nguồn: TradingEconomics)

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 11 đã giảm xuống 4,2%, giảm mạnh từ mức đỉnh vào đầu năm nay (Nguồn: TradingEconomics)

Trong khi lạm phát CPI tháng 11 lên mức cao nhất trong 39 năm (Nguồn: Fed St.Louis)

Trong khi lạm phát CPI tháng 11 lên mức cao nhất trong 39 năm (Nguồn: Fed St.Louis)

“Fed đơn giản là không thể biện minh nếu không giảm gói QE khi lạm phát giá tiêu dùng đang ở mức cao nhất kể từ đầu thập niên 80, lạm phát giá sản xuất có xu hướng lên cao nhất mọi thời đại, tăng trưởng GDP vượt qua mức trước đại dịch”, nhận định của nhà phân tích Fawad Razaqzada tại ThinkMarkets.

Thông điệp của Fed thể hiện một cách tiếp cận chính sách tiền tệ khác hoàn toàn với quan điểm ôn hòa mà cơ quan này từng đưa ra vào tháng 8/2020, rằng Fed cam kết duy trì hỗ trợ nền kinh tế cần thiết chừng nào thị trường lao động phục hồi “bao trùm và trên diện rộng”.

Dù mục tiêu thị trường lao động mà Fed đưa ra khi đó khó có thể được đo lường bằng con số cụ thể. Điều này hàm nghĩa Fed không chỉ quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp quốc gia mà còn căn cứ vào các yếu tố như tiền lương, hay mức độ quay trở lại với công việc của các nhóm nhân khẩu học khác nhau làm căn cứ điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Nếu nhìn từ góc độ này, thị trường lao động Mỹ hiện vẫn chưa thỏa mãn các điều kiện đủ để Fed rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng, khi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trước đại dịch, đặc biệt ở nhóm người da màu, số việc làm mới tạo ra thấp hơn, sự tham gia của phụ nữ trong thị trường lao động chưa phục hồi.

Do đó, có nhiều đánh giá cho rằng quyết định đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed không hoàn toàn dựa trên sự phục hồi đầy đủ của nền kinh tế, mà mang tính chất một cuộc chiến chống lạm phát nhiều hơn.

Trong suốt một thế kỷ qua, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ gần như chỉ dao động quanh mức 2%. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt 6,8% trong tháng 11 qua dường như là mức tăng lớn nhất mà mỗi người Mỹ từng thấy trong đời họ. Tiền phủ tràn ngập nền kinh tế Mỹ trong suốt 2 năm qua khi Chính phủ tung ra các gói kích thích kinh tế trực tiếp trị giá ước tính 5.000 tỷ USD là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao như vậy. Với vai trò ngân hàng Trung ương, Fed buộc phải hành động để hạ nhiệt giá hàng hóa.

Thông điệp hôm 15/12 của FOMC không lập tức làm tăng mặt bằng lãi suất tín dụng, nhưng nó báo hiệu ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới sẵn sàng thực thi các biện pháp quyết liệt hơn để giữ giá không tăng ngoài tầm kiểm soát.

Bằng chứng là so với một tháng trước, tốc độ thu hẹp gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD của Fed đã tăng gấp đôi (từ mức thu hẹp 15 tỷ USD/ tháng lên 30 tỷ USD/ tháng). Và 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022, sau khi Fed đã kết thúc chương trình mua tài sản này, là hoàn toàn có khả năng.

Điều mà các nhà kinh tế học băn khoăn lúc này là liệu Fed có “chậm chân” trong hành động kiểm soát lạm phát, khi mà mức lạm phát trong tháng 11 đã lên cao nhất trong vòng 39 năm, liệu cú thay đổi lập trường của Fed có đưa nền kinh tế Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim trước đại dịch khi tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục hay không, và liệu các ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu sẽ phản ứng ra sao sau thông điệp này.

Áp lực cho các ngân hàng Trung ương lớn

Sau thông điệp thắt chặt từ Fed, áp lực điều hành chính sách tiền tệ đang tăng vọt với các ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng nóng, chuỗi cung ứng chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.

Tại Australia, chỉ vài giờ sau khi Fed tuyên bố thông điệp siết chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn, ngân hàng Dự trữ nước này lên tiếng khẳng định các điều kiện kinh tế trong nước chưa chín muồi cho việc tăng lãi suất trở lại, ít nhất cho đến năm 2023. Điều này trái ngược với một số dự báo trên thị trường rằng RBA có thể tăng nhẹ lãi suất ngay trong năm 2022.

Phát biểu tại một diễn đàn hôm 16/12 (giờ địa phương), Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết RBA đang xem xét 3 lựa chọn để điều chỉnh chương trình mua tài sản. Lựa chọn “nhẹ nhàng” nhất là điều chỉnh giảm nhẹ quy mô gói này, kết thúc gói vào khoảng tháng 5/2022. Trong lựa chọn mạnh tay nhất, gói này sẽ kết thúc vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện các lựa chọn này là nền kinh tế không đứng trước rủi ro nghiêm trọng nào khác.

Về chính sách điều hành lãi suất, Thống đốc Lowe khẳng định: “Hội đồng quản trị RBA sẽ không tăng lãi suất cho đến chừng nào lạm phát thực tế ổn định trong phạm vi mục tiêu 2-3%”.

Vị Thống đốc RBA lập luận rằng, trong kịch bản mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Úc đặt ra, trong năm 2022, nền kinh tế Australia sẽ không thỏa mãn đủ các điều kiện để tăng lãi suất trở lại. Một yếu tố quan trọng là tăng trưởng tiền lương hiện vẫn đang ở mức tương đối thấp. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tại Úc tính đến hết quý III/2021 vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở mức khoảng 3%. RBA có dư địa để kiên nhẫn với chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại.

Ảnh tác giả

“Chúng ta đang ở một vị trí hoàn toàn khác so với Mỹ”.

Thống đốc RBA Philip Lowe

Tại Anh, ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục trong cuộc họp chính sách tiền tệ tuần này bất chấp áp lực lạm phát. Nguyên nhân là các nhà hoạch định chính sách đang lo lắng nhiều hơn về biến chủng COVID-19 mới Omicron.

Nhà phân tích Joshua Mahony từ IG nhận định: “Mắc kẹt giữa mức lạm phát tăng liên tục và quan ngại số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến do biến chủng Omicron, bức tranh kinh tế của Vương quốc Anh đang bất ổn hơn bao giờ hết”.

Ảnh tác giả

“Khi lạm phát giá tiêu dùng của Anh đạt mức cao nhất trong 1 thập kỷ, BOE sẽ chịu áp lực phải đưa ra kế hoạch của họ (để kiểm soát lạm phát), ngay cả khi họ không tăng lãi suất trong phiên họp chính sách tiền tệ hôm 16/12”.

Joshua Mahony, nhà phân tích thị trường tại IG

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 16/12, chỉ ít giờ sau khi Fed phát đi thông điệp về 3 lần tăng lãi suất dự kiến trong năm 2022.

Theo AFP, các nhà phân tích dự báo ECB nhiều khả năng sẽ xác nhận kết thúc chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá 1,85 nghìn tỷ Euro sớm hơn dự kiến. Thách thức lớn với ECB lúc này là tìm ra cách thức thực hiện suôn sẻ, tránh gây cú sốc cho thị trường hoặc gây tác động tiêu cực đến đà phục hồi vốn đã mong manh của khu vực đồng Euro sau cú sốc đại dịch.

Trong khi đó, tương tự như BOE, ECB cũng cần cân nhắc các rủi ro liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng Omicron với nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trước khi đưa ra bất cứ quyết định chính sách tiền tệ nào.

Tại EU, lạm phát cũng đang tăng nóng lên mức 4,9% trong tháng 11. Mặc dù ECB cho đến nay vẫn kiên trì thông điệp mức tăng lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời của nền kinh tế, nhưng rõ ràng đến nay, lạm phát đã đi khá xa dự báo ban đầu của cơ quan này.

Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi kết quả họp chính sách tiền tệ của một số ngân hàng Trung ương lớn khác trong tuần này, dự kiến sẽ tác động đáng kể đến các thị trường toàn cầu.

Tại Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với 3 công cụ chính: giảm lãi suất điều hành, từ đó giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, bơm tiền chủ yếu thông qua kênh mua ngoại tệ tạo dòng thanh khoản dồi dào cho thị trường và gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV rằng Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa giảm lãi suất, nhưng ưu tiên đảm bảo an toàn tổ chức tín dụng và toàn hệ thống tài chính, tránh tác động lan truyền. Nhất là trong bối cảnh áp lực kiểm soát lạm phát trong năm 2022 được đánh giá là rất lớn khi các nền kinh tế thế giới dần phục hồi dẫn đến áp lực từ cả hai phía cung và cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp